Tranh Việt tiếp tục “thắng” khủng hoảng?

Trong tháng 6 này, có ít nhất 4 triển lãm cá nhân diễn ra ở 4 địa điểm khác nhau: Đinh Ý Nhi (khai mạc ngày 6/6) tại phòng tranh Thavibu (Bangkok, Thái Lan), Bùi Tiến Tuấn (6/6) tại phòng tranh Tự Do (53 Hồ Tùng Mậu, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Phúc An (17/6) tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (97A Phó Đức Chính, Quận 1) và Lê Kinh Tài (18/6) tại Vermont Studio Center (Mỹ).

Trong tháng 6 này, có ít nhất 4 triển lãm cá nhân diễn ra ở 4 địa điểm khác nhau: Đinh Ý Nhi (khai mạc ngày 6/6) tại phòng tranh Thavibu (Bangkok, Thái Lan), Bùi Tiến Tuấn (6/6) tại phòng tranh Tự Do (53 Hồ Tùng Mậu, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Phúc An (17/6) tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (97A Phó Đức Chính, Quận 1) và Lê Kinh Tài (18/6) tại Vermont Studio Center (Mỹ).

Trừ Chiêm bao ngày số 2 của Lê Kinh Tài không nhằm bán tranh, còn 3 triển lãm kia đều bán được tranh. Trong thời khủng hoảng này, nhìn số lượng tranh họ bán ra, với giá bán tương đối cao, có thể xem như là một tín hiệu khả quan.

Khởi điểm cho việc “chống” khủng hoảng, có lẽ là triển lãm Security của Đinh Ý Nhi ở phòng tranh Thavibu, khi tính đến hôm nay (26/6) đã có 4/15 tác phẩm được bán. Security kể chuyện về người phụ nữ da vàng - được xem là vẽ về chính tác giả(?), trong các tư thế gần như khỏa thân, trơ trọi, hoang mang và cô đơn đến tột độ. Các tác phẩm thể hiện tinh thần nữ quyền này có giá bán khá cao, từ 6.000 đến 15.000USD, ví dụ như tác phẩm Security 14 (sơn dầu, 150x110cm, 2007) đã được bán với giá 15.000 USD.

Khi đến xem cuộc triển lãm Lụa của Bùi Tiến Tuấn, nhiều họa sĩ và giới báo chí đều có cảm giác các tác phẩm này sẽ có khách hàng, vì tác giả đã có những cách tân nhất định về kỹ thuật vẽ lụa truyền thống, ứng dụng thủ pháp đồ họa, làm cho mảng miếng và màu sắc khá sinh động, bắt mắt.

Đến “phút 89,” vẫn không có nhà sưu tập hay khách hàng nào đặt mua, tưởng khủng hoảng đã “giết chết” cuộc triển lãm này, thì trước hôm bế mạc 1 ngày, một Việt kiều vừa trở về từ Mỹ, sau khi xem trên website, đã mua 10/20 bức, theo giá đề ra từ ban đầu, từ 900 đến 2.000 USD.

Ít được chú ý vì phong cách thể hiện và ít đình đám về khâu tổ chức, thiếu hoàn toàn chiến lược PR, nhưng Hương sắc miền Tây (đang diễn ra) của Phan Phúc An tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh lại gặp may mắn hơn, khi đến hôm nay đã bán được 5/32 bức cho Seahorse Resort (Mũi Né) và 5 bức khác đã được đặt mua.

Phan Phúc An sinh 1970 tại Tiền Giang, có thể thấy anh là một trong những họa sĩ vẽ tĩnh vật giỏi hiện nay. Với những trái cây Nam bộ được bài trí đơn giản, gần gũi, những tác phẩm tĩnh vật có sức biểu cảm tốt, giàu cảm xúc, với giá bán bình quân khoảng 1.500 USD vẫn tìm ra khách hàng của nó.

Cũng xin nói thêm, hiện sống chủ yếu tại quê nhà (Tiền Giang), nhưng Phan Phúc An cho biết, mấy năm gần đây, mỗi năm anh bán được khoảng 10 bức tranh, tạm đủ chi phí cho sinh hoạt gia đình và sáng tác./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục