Tạo điều kiện hơn nữa cho nữ trí thức Việt Nam

Sử dụng, đãi ngộ trí thức nữ, xây dựng trí thức nữ chuyên gia là những giải pháp quan trọng nhằm phát huy vai trò của đội ngũ này.
Tại hội thảo “Nữ trí thức Việt Nam với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” ngày 16/3, các nhà khoa học, nghiên cứu đã đưa ra những ý kiến tâm huyết nhằm đóng góp vào việc xây dựng đội ngũ nữ trí thức vững mạnh, phát huy trí tuệ, tài năng, trách nhiệm, vai trò đối với vận mệnh đất nước trong thời kỳ mới.

Vượt qua “thử thách kép”


Giáo sư-tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra khái niệm “thử thách kép” khi nói về những khó khăn gấp bội của phụ nữ để vươn lên đỉnh cao trong khoa học công nghệ - một hoạt động đặc thù của trí thức.

Vừa phải bỏ rất nhiều công sức trong quá trình học tập, tích lũy kiến thức cũng như nghiên cứu, nữ trí thức cũng không thể bỏ thiên chức làm vợ, làm mẹ, phải mang thai, sinh nở, nuôi con, lo toan cuộc sống gia đình.

Để đạt được một kết quả hay thành công nào đó trong sự nghiệp, nữ trí thức phải bỏ sức lực nhiều hơn so với nam giới.

Giáo sư-tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang cho rằng, để xây dựng và phát triển tiềm lực của đội ngũ trí thức, trong đó bao gồm nữ trí thức, Đảng và Nhà nước cần có những biện pháp, chính sách phù hợp để động viên, thu hút và nâng cao khả năng lao động, sáng tạo của họ.

Bên cạnh việc chuẩn bị một thế hệ nữ trí thức trong tương lai, việc tận dụng khai thác chất xám, phát huy vai trò của đội ngũ nữ trí thức đương đại cũng cần được xem trọng. Các tổ chức, cơ quan cần vận dụng mọi biện pháp, bằng nhiều hình thức khác nhau tạo điều kiện để cán bộ nữ tham gia các hoạt động khoa học công nghệ nhiều hơn nữa, coi đây là vấn đề chiến lược.

Đãi ngộ đúng để phát huy vai trò

Nhấn mạnh vai trò của nữ trí thức trước yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, Phó giáo sư-tiến sĩ Đỗ Thị Thạch, Phó Viện trưởng Viện chủ nghĩa xã hội khoa học, Trưởng Ban lý luận Dân tộc và Giới, Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh nêu bốn phẩm chất cần có đối với đội ngũ nữ trí thức trong tình hình mới. Đó là bản lĩnh chính trị vững vàng; trí tuệ cao; trách nhiệm xã hội cao và dung hòa được chức năng kép: gia đình và sự nghiệp.

Theo bà Đỗ Thị Thạch, việc sử dụng, đãi ngộ đội ngũ trí thức nữ, xây dựng trí thức nữ chuyên gia, đầu đàn là những giải pháp quan trọng nhằm phát huy vai trò của nữ trí thức.

Trí thức nữ rất cần được tin cậy và sử dụng đúng người, đúng việc; được tôn vinh và bảo đảm môi trường phù hợp cho lao động, sáng tạo; có đất “dụng võ”, tránh tình trạng “chảy máu chất xám”, “hao mòn chất xám”, “nhạt chất xám”.

Nữ trí thức trẻ cần được tạo điều kiện để đi sâu vào chuyên môn, tham gia công tác quản lý, lãnh đạo.

Đưa quan điểm giới vào hệ thống chính sách, pháp luật

Đề cập vấn đề dưới góc độ chính sách, pháp luật, tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam kiến nghị Nhà nước đưa quan điểm giới vào hệ thống chính sách, pháp luật nói chung cũng như chính sách, pháp luật đối với trí thức nói riêng để tạo điều kiện cho trí thức nữ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động khoa học, giáo dục, quản lý xã hội.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, việc xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ nữ trí thức là cần thiết để khai thác, phát huy tiềm năng, sức đóng góp của nữ trí thức vào công cuộc phát triển.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định việc xây dựng và thực hiện tốt chính sách đối với nữ trí thức là nhân tố quan trọng để hỗ trợ, tạo điều kiện cũng như phát huy vai trò, khả năng cống hiến của nữ trí thức./.

Thanh Hòa (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục