Thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt mất điểm

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/12, chỉ số MSCI châu Á, giảm 1,1% xuống còn 400,23 điểm, ngày càng xa rời mức đỉnh trong 15 tháng qua.
Trong bối cảnh đồng USD tăng lên mức cao nhất trong 3 tháng qua so với đồng euro trong phiên giao dịch ngày 17/12, các thị trường chứng khoán châu Á cùng các thị trường hàng hóa mang tính rủi ro cao, đã đồng loạt giảm điểm trong phiên cùng ngày.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/12, chỉ số MSCI châu Á (trừ Nhật Bản), giảm 1,1% xuống còn 400,23 điểm, ngày càng xa rời mức đỉnh trong 15 tháng qua là 416,89 điểm được lập vào giữa tháng 11.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei-225 đóng cửa giảm nhẹ 0,1% do các nhà đầu tư đổ ra bán chốt lời sau khi đã có lúc tăng lên mức cao nhất trong 7 tuần qua vào thời điểm đầu phiên. Trong khi đó, tại Hongkong, sự yếu kém của các cổ phiếu tài chính cũng kéo chỉ số Hangseng của thị trường này đi xuống và để mất 1,2% giá trị.

Tại Trung Quốc, nỗi lo về việc một loạt cổ phiếu mới sắp lên sàn khiến thị trường dễ "bội thực" đã khiến chỉ số Shanghai Composite mất điểm mạnh, giảm tới 2,34% giá trị. Các sàn chủ chốt khác trong khu vực như Đài Loan, Hàn Quốc, New Zealand cũng đều giảm, với các mức giảm tương đối khiêm tốn lần lượt là 0,12%, 0,99% và 0,30%.

Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 16/12, chứng khoán Mỹ và châu Âu lại phục hồi nhẹ nhờ các số liệu khả quan về kinh tế Mỹ, khiến các nhà đầu tư hy vọng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm nâng trở lại lãi suất lên, từ mức thấp kỷ lục gần như bằng 0% hiện nay.

Kết thúc phiên 16/12, tại thị trường Mỹ, chỉ có Dow Jones giảm nhẹ 0,10% sau khi tăng khá ấn tượng vào đầu phiên, hai chỉ số còn lại là Nasdaq và Standard & Poor's 500 đều tăng lần lượt là 0,27% và 0,11%. Phố Wall đã mở cửa với các sàn giao dịch điện tử xanh nhưng đã quay đầu giảm điểm ngay sau khi FED công bố sẽ tiếp tục duy trì mức lãi suất thấp kỷ lục hiện tại (từ 0-0,25%) và tái khẳng định duy trì chính sách tiền tệ hiện hành thêm một thời gian nữa nhằm hỗ trợ cho sự phục hồi vẫn còn khá mong manh của nền kinh tế.

Chủ tịch FED Ben Bernanke chỉ ra rằng mặc dù nền kinh tế Mỹ đã có những cải thiện đáng kể, trong đó có thị trường lao động, nhưng điều đó vẫn chưa đủ để có thể rút đi các nỗ lực kích thích kinh tế. Giới phân tích cho rằng, quyết định trên của FED, đặc biệt là việc không đưa ra một thời gian nào trong thời gian tới cho khả năng tăng lãi suất, đã lấy đi phần nào đà tăng điểm của thị trường.

Tại châu Âu, cả 3 thị trường chính trong khu vực đều tăng điểm, với FTSE 100 của London tăng 0,65%, CAC 40 của Pháp tiến thêm 1,09% và DAX của Đức ghi thêm 1,58%, chạm mức cao nhất của thị trường này kể từ tháng 9/2008. Các thị trường khác cũng đồng loạt tăng trong phiên này, đưa chỉ số DJ Euro Stoxx 50 - chỉ số của các cổ phiếu hàng đầu châu Âu, kết thúc phiên tăng thêm 1,31%.

Các nhà phân tích nhận định, tâm lý hiện nay tại các thị trường châu Âu đang hết sức phấn chấn, thị trường đang sẵn sàng đầu tư vào thời điểm cuối năm và tính thanh khoản của cả dòng tiền lẫn cổ phiếu đều cao.

Thêm vào đó, thông tin về hoạt động kinh doanh trong các ngành chế tạo và dịch vụ của lĩnh vực tư nhân trong tháng 12 tăng mạnh trên toàn khối eurozone, với mức tăng mạnh nhất trong 2 năm trở lại đây, càng khiến các nhà đầu tư thêm phấn chấn.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích tại Commerzbank của Đức thì "vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay đối với các nhà đầu tư là khi nào thì FED sẽ bắt đầu chuẩn bị nâng lãi suất"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục