Kịch bản nào cho kinh tế Việt Nam năm 2010

Kinh tế Việt Nam năm 2010 có nhiều yếu tố tích cực và khởi sắc, nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức tác động từ bên ngoài và cả nội tại nền kinh tế. Các chuyên gia kinh tế đã đưa ra hai phương án dự báo cho kinh tế Việt Nam năm 2010, trong đó phương án 1 chú trọng đến chất lượng tăng trưởng và phương án 2 là theo đuổi mục tiêu tăng trưởng cao.
Kinh tế Việt Nam năm 2010 có nhiều yếu tố tích cực và khởi sắc, nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức tác động từ bên ngoài và cả nội tại nền kinh tế.

Đây là nhận định chung của các chuyên gia trong hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2010: Nhận diện cơ hội đầu tư-kinh doanh” do báo Đầu tư phối hợp với Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức ngày 14/1, tại Hà Nội.

Tiến sĩ Lê Đình Ân, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội quốc gia, đã đưa ra hai phương án dự báo cho kinh tế Việt Nam năm 2010.

Theo phương án 1, chú trọng nhiều hơn đến chất lượng tăng trưởng. Trong đòi hỏi đó chứa hàm ý về một mục tiêu tăng trưởng vừa phải hơn, để tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Trong phương án này, dự báo tăng trưởng kinh tế khoảng 6-6,5%, tiếp tục có các biện pháp kiểm soát giá một cách chặt chẽ, giữ chỉ số giá tiêu dùng ở mức một con số, thâm hụt ngân sách khoảng 6,2% GDP.

Phương án 2, theo đuổi mục tiêu tăng trưởng cao, khoảng 7%. Để đạt mục tiêu tăng trưởng cao vẫn phải chủ yếu dựa vào việc tăng đầu tư và chi tiêu của Chính phủ.

Việc tăng đầu tư và chi tiêu của Chính phủ sẽ làm mức thâm hụt ngân sách tăng cao. Bên cạnh đó việc theo đuổi mục tiêu tăng trưởng trong điều kiện hiệu quả đầu tư không cao như hiện nay thì vấn đề lạm phát cần phải đặc biệt chú ý và có những biện pháp kiểm soát một cách chặt chẽ. Với cả hai phương án nêu trên, Việt Nam cần phải nỗ lực rất nhiều để đạt được.

Tiến sĩ Lê Đình Ân, dự báo kim ngạch xuất khẩu năm 2010 từ 66,4-67,8 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu từ 77,5-80 tỷ USD, thâm hụt thương mại trên 12 tỷ USD. Việc tập trung vào giải quyết những hậu quả của cuộc khủng hoảng sẽ tạo điều kiện đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo phát triển ổn định, tạo đà tăng tốc trong những năm sau.

"Nhìn chung trong năm 2010, hầu hết các ngành - đặc biệt những ngành có sản phẩm xuất khẩu, đều cho thấy những dấu hiệu khả quan về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh do nền kinh tế Việt Nam và thế giới vẫn đang tiếp tục trong quá trình hồi phục.

Tuy nhiên, quá trình hồi phục này vẫn còn yếu ớt, vì thế lợi nhuận và doanh thu trong năm 2010 của các ngành mặc dù được dự báo sẽ có cải thiện nhưng sẽ khó có khả năng có sự tăng trưởng đột biến", ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định.

"Chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng đang gây ra những tác động phụ, ảnh hưởng đến cân đối vĩ mô. Tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng tăng cao đang gây sức ép lên tỷ giá, ổn định lãi suất trên thị trường và ảnh hưởng này sẽ kéo dài sang năm 2010 do độ trễ của tác động chính sách tiền tệ", ông Vũ Việt Ngoạn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khuyến cáo.

Theo ông Ngoạn, tốc độ tăng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (tăng 28,7%) thấp hơn tốc tộ tăng trưởng dư nợ tín dụng (37,7%), gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc cân đối vốn.

Xuất khẩu của Việt Nam cũng phải sẽ đối mặt với nhiều rào cản thương mại mới do chính sách bảo hộ từ các thị trường nhập khẩu. Cầu thế giới sẽ tăng nhưng không mạnh và chưa thực sự vững chắc./.

Hữu Vinh (Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục