Số lượng bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn gia tăng

Gần đây, bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn có xu hướng gia tăng, đặc biệt, có trường hợp bệnh nhân nhập viện muộn đã bị hoại tử ngón chân.
Theo Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, trong một vài tháng gần đây, mặc dù chưa thành vụ dịch lớn nhưng số lượng bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn có xu hướng gia tăng.

Tính đến giữa tháng Tám, tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã có 44 ca mắc bệnh liên cầu lợn, trong đó có ca đã tử vong.

Điều đáng lưu ý là có đến 30-40% bệnh nhân diễn biến nặng khi khai thác tiền sử có ăn tiết canh, tham gia chế biến, giết mổ lợn.

Điển hình như bệnh nhân Lê Văn L. (53 tuổi, Nghệ An) bị nhiễm liên cầu lợn nặng nhưng nhập viện muộn khiến cho một vài ngón chân đã bị hoại tử nên các bác sỹ sẽ phải phẫu thuật cắt chi.

Người nhà của bệnh nhân cho biết, bệnh nhân có chăn nuôi lợn, trước khi nhập viện anh L. có ăn tiết canh, uống rượu. Hiện tại, bệnh nhân vẫn phải thở máy và thực hiện lọc máu đồng thời theo dõi chức năng thận.

Hiện nay, dịch lợn tai xanh đang có nguy cơ lan rộng tại nhiều tỉnh ở Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ, trong đó nhiều nhất ở các tỉnh Bắc Kạn, Đắk Lắk…

Theo bác sỹ Cấp, số người mắc liên cầu lợn thường tăng nhanh khi có dịch lợn tai xanh. Bởi khi có vụ dịch tai xanh xảy ra, con lợn đó mất sức đề kháng, liên cầu lợn bùng phát. Khi người chăn nuôi, chế biến tiếp xúc hay qua các vết xước xát chân tay, ăn uống thì có thể nhiễm liên cầu lợn.

Bác sỹ Cấp khuyến cáo, để phòng bệnh này, người dân không nên giết mổ lợn ốm, chết, không xử lý sản phẩm sống từ lợn với tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay, rửa tay sạch sau khi chế biến. Trong trường hợp phải tiếp xúc với lợn ốm hay chăm sóc, nuôi hoặc giết mổ, tiêu hủy các con vật trên thì nên có các phương tiện phòng hộ.

Người dân cũng không nên ăn thịt lợn bị bệnh, thịt lợn sống, tiết canh, nội tạng lợn chưa nấu chín và đặc biệt không ăn thịt lợn ốm, chết./.


 Theo các chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm, người bị nhiễm liên cầu lợn gây ra hai thể bệnh chính: viêm màng não mủ và nhiễm khuẩn huyết.

Trong đó, nhiễm khuẩn huyết diễn biến cấp tính, sốt cao, hoại tử ở chân tay, gây suy đa phủ tạng như suy gan, thận, hô hấp, có thể có hôn mê nên nếu không hỗ trợ hồi sức tích cực bệnh nhân sẽ tử vong.

Vì vậy, các bác sỹ khuyến cáo nếu bệnh nhân có biểu hiện sốt cao, xuất hiện ban hoại tử ở da chân, da tay thì nên đến bệnh viện ngay lập tức vì bệnh thường diễn biến rất nặng và nhanh./.
Thùy Giang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục