Mỹ muốn tạo "âm hưởng mới" với các nước

Ngày 7/2, tại Hội nghị an ninh quốc tế lần thứ 45 đang diễn ra ở thành phố Munich, Đức, Phó Tổng thống Mỹ Joseph Biden đã có bài phát biểu quan trọng về quan điểm trong chính sách an ninh và đối ngoại của chính quyền mới Mỹ đối với một loạt vấn đề nóng trên thế giới hiện nay.

Ngày 7/2, tại Hội nghị an ninh quốc tế lần thứ 45 đang diễn ra ở thành phố Munich, Đức, Phó Tổng thống Mỹ Joseph Biden đã có bài phát biểu quan trọng về quan điểm trong chính sách an ninh và đối ngoại của chính quyền mới Mỹ đối với một loạt vấn đề nóng trên thế giới hiện nay.

Ông Biden lần đầu tiên đã giới thiệu những nét cơ bản về chính sách đối ngoại và an ninh của Mỹ, trong đó nhấn mạnh chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Barack Obama mong muốn tạo ra một "âm hưởng mới" trong quan hệ của Washington với các nước khác.

Ông nói: "Tôi đến châu Âu thay mặt cho chính quyền mới khẳng định mong muốn tạo ra một âm hưởng mới không chỉ ở Washington mà trong các quan hệ của Mỹ trên khắp thế giới"; và cho biết Tổng thống Obama sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước phát triển và đang phát triển (G20) để bàn về tình hình kinh tế thế giới vào ngày 2/4 tới ở London, Anh.

Washington sẽ "hỗ trợ mạnh mẽ" cho các cuộc cải cách chính trị ở Iraq, đồng thời cho rằng cuộc bầu cử địa phương diễn ra tuần trước ở Iraq cho thấy đã có những bước tiến bộ và cần phải tiếp tục. Ngoài ra, ông Biden cũng thông báo Mỹ sẽ khôi phục kế hoạch hỗ trợ quân sự cho Pakistan trị giá 1,5 tỷ USD và kêu gọi tăng cường hỗ trợ cho binh lính NATO trong cuộc chiến chống Taliban ở Afghanistan.

Về vấn đề đóng cửa nhà tù của Mỹ trên Vịnh Guantanamo ở Cuba, ông Biden cho biết Mỹ cần sự hỗ trợ của các nước trong việc xử lý số tù nhân đang bị giam giữ tại đây và nhắc lại cam kết của Tổng thống Obama rằng Mỹ sẽ tôn trọng các giá trị, không tra tấn tù nhân và sẽ đóng cửa nhà tù này, song các nước cần hợp tác chống chủ nghĩa cực đoan.

Về quan hệ với Nga, Phó Tổng thống Mỹ cho rằng đã đến lúc cần phải khôi phục những rạn nứt trong quan hệ giữa hai bên. Theo ông, Nga và NATO có thể hợp tác để tiêu diệt tổ chức khủng bố al-Qaeda và nhóm phiến quân Taliban ở Afghanistan. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo quan hệ giữa Mỹ và Nga sẽ còn tiếp tục có những bất đồng, đặc biệt trong vấn đề liên quan tới Gruzia.

Ông Biden cho biết Mỹ sẽ vẫn tiếp tục xúc tiến kế hoạch triển khai "lá chắn tên lửa" tại Đông Âu, song sẽ phải xem xét lại tính hiệu quả và chi phí của kế hoạch này; sẽ tham vấn Nga và các đồng minh trong NATO về việc này.

Trong giải quyết vấn đề hạt nhân gây nhiều tranh cãi của Iran, Phó Tổng thống Mỹ Biden nhấn mạnh sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Iran và sẽ đưa ra một sự lựa chọn cho Tehran: tiếp tục chịu "sức ép và sự cô lập" hay là từ bỏ chương trình hạt nhân và sự hỗ trợ cho khủng bố để đổi lấy "những ưu đãi đầy ý nghĩa" từ phương Tây.

Đối với "chảo lửa" Trung Đông, ông Biden khẳng định chính quyền mới của Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi để đạt được giải pháp hai nhà nước cho Israel và người Palestin.

Tại Muenchen, Phó Tổng thống Mỹ sẽ có các cuộc gặp song phương với lãnh đạo một số nước, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Phó Thủ tướng Nga Sergej Ivanov để trao đổi các mối quan hệ song phương cùng nhiều vấn đề quốc tế khác.

Cùng ngày, tại Hội nghị an ninh quốc tế Muenchen, Tổng thống Pháp Sarkozy cũng đã có bài phát biểu, nhấn mạnh Nga giờ đây không tạo ra một mối đe dọa quân sự nào cho Liên minh châu Âu (EU) và NATO. Còn Thủ tướng Đức Angela Merkel đề nghị áp dụng các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Iran nếu nỗ lực ngoại giao mới của Mỹ không khiến Tehran ngừng chương trình làm giàu uranium./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục