ADB: Thị trường trái phiếu Đông Á đang tăng mạnh

Theo báo cáo của ADB, thị trường trái phiếu các nước Đông Á đang nổi tính đến cuối quý 1/2013 đã tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2012.
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa công bố báo cáo “Asia Bond Monitor,” trong đó cho biết thị trường trái phiếu các nước Đông Á đang nổi tính đến cuối quý 1/2013 đã tăng12,1% so với cùng kỳ năm 2012, nhờ hoạt động sôi động trong phân khúc doanh nghiệp.

Người đứng đầu Văn phòng Hội nhập Kinh tế Khu vực của ADB, Iwan J. Azis nhận định Đông Á sẽ tiếp tục chứng kiến đà tăng trưởng mạnh trên thị trường trái phiếu nhờ các nền kinh tế trong khu vực tiếp tục mở rộng do các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài gia tăng quan tâm đầu tư vào nợ trái phiếu được phát hành bằng động nội tệ, cũng như nhờ các chính phủ và công ty trong khu vực hiện quản lý nợ của tốt hơn nhiều so với cách đây một thập kỷ.

Theo “Asia Bond Monitor” - được ADB công bố định kỳ hàng quý, đánh giá các thị trường trái phiếu của Trung Quốc, Đặc khu Hành chính Hong Kong, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, các thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của khu vực Đông Á đang tiếp tục đà gia tăng, từ mức 52,8% GDP vào cuối quý 1/2012, lên 54,6% vào cuối năm 2012 và 54,8% vào cuối quý 1/2013.

Tính đến cuối tháng 3/2013, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Đông Á đã tăng mạnh 19,5% so với cùng kỳ năm 2012 và tăng 4,6% so với cuối tháng 12/2012, đạt 2.400 tỷ USD, trong khi các kết quả tương g ứng của thị trường trái phiếu chính phủ là 8,3%, 2,0% và 4.300 USD. Lượng trái phiếu doanh nghiệp mới chủ yếu vẫn do các ngân hàng và thiết chế tài chính phát hành.

Cũng theo “Asia Bond Monitor,” Indonesia là nước có thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh nhất trong khu vực với mức tăng 26,9% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 20 tỷ USD, tiếp theo là Trung Quốc có mức tăng 25,3% song đứng đầu về quy mô với 1.100 tỷ USD.

Tỷ lệ nắm giữ trái phiếu chính phủ các nước Đông Á bằng đồng nội tệ của các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng trong quý 1 năm nay, trong đó hấp dẫn nhất là của Indonesia, với 32,6%, tiếp theo là Malaysia với 31,2%.

Lợi suất trái phiếu chính phủ trong khu vực có xu hướng giảm kể từ cuối năm 2012 do lạm phát vừa phải và chính sách lãi suất nhìn chung không thay đổi, trừ Đặc khu hành chính Hong Kong, Trung Quốc, Indonesia, và Singapore có lợi suất trái phiếu tăng lo ngại lạm phát./.

Việt Tú/Jakarta (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục