"Tội phạm có tổ chức thách thức phát triển bền vững"

Liên hợp quốc cảnh báo tội phạm có tổ chức đã trở thành một thách thức lớn và ngày càng đe dọa phát triển bền vững và luật pháp.
Ngày 23/4, Liên hợp quốc cảnh báo tội phạm có tổ chức đã trở thành một thách thức lớn và ngày càng đe dọa phát triển bền vững và luật pháp.

Khai mạc Hội nghị Liên hợp quốc về ngăn chặn tội phạm ở thủ đô Vienna của Áo, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc đồng thời là Tổng Giám đốc Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC), Yury Fedotov, nhấn mạnh thế giới chuẩn bị kết thúc tiến trình thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) vào năm 2015, nhưng cũng phải thừa nhận rằng mối đe dọa xuyên quốc gia như tội phạm có tổ chức và buôn bán bất hợp pháp, bạo lực và tham nhũng vẫn là trở ngại lớn để đạt được các MDG.

Ngày nay, pháp quyền, quản trị tốt, quyền con người và phát triển kinh tế đều bị các tổ chức tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia đe dọa nghiêm trọng.

Các nước yếu kém và dễ đổ vỡ đặc biệt dễ tổn thương trước tác động của các tổ chức tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

Các nước bị tàn phá bởi chiến tranh hoặc đang trong hành trình khó khăn tới dân chủ dễ trở thành nạn nhân của các tổ chức tội phạm này.

Kết quả là các tổ chức tội phạm lộng hành và các thành quả phát triển bị đảo ngược, các cơ hội tiến bộ kinh tế xã hội bị mất.

Để thay đổi hiện trạng này, Tổng Giám đốc UNODC nhấn mạnh các hành động chống tội phạm phải được hoà nhập vào chương trình phát triển bền vững cũng như các chương trình hành động pháp quyền trên nền tảng quyền con người.

Sức mạnh của UNODC bắt nguồn từ kinh nghiệm hợp tác lâu dài với các đối tác và các nước về chống ma túy, tội phạm và khủng bố.

Nền tảng vững chắc của UNODC cũng đến từ các công ước về chống ma túy, tội phạm và tham nhũng. Các nước thành viên Liên hợp quốc cần phê chuẩn và thực hiện các công ước này.

Trong thông điệp gửi Hội nghị, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, Nassir Abdulaziz Al-Nasser, khẳng định chủ đề của Hội nghị Liên hợp quốc chống tội phạm năm 2012 là bạo lực chống người nhập cư, lao động nhập cư và gia đình họ.

Liên quan chủ đề này, hội nghị cũng thảo luận về sự giám sát của các nước đối với tội phạm cướp biển, các dịch vụ an ninh tư nhân.

Ma túy và tội phạm cản trở phát triển kinh tế và xã hội các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển. Kết hợp ma túy và tội phạm đã đem lại lợi nhuận hàng nghìn tỷ USD cho các tổ chức tội phạm trên thế giới./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục