Thị trường dầu mỏ thế giới vẫn còn nhiều bất ổn

Bất ổn tại các nước Arập thổi bùng lên nỗi lo về nguy cơ nổ ra cuộc khủng hoảng mới, khi giá các loại dầu tăng hơn 15% từ đầu tháng 2.
Trong khi cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Alan Greenspan coi Chiến tranh vùng Vịnh và cuộc chiến Iraq là những nguyên nhân gây ra hai cuộc khủng hoảng dầu mỏ trước đây, thì tình hình bất ổn tại một số nước Arập hiện nay đang thổi bùng lên nỗi lo sợ về nguy cơ nổ ra cuộc khủng hoảng mới.

Giá 12 loại dầu của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã tăng hơn 15% kể từ đầu tháng 2/2011, và theo một số nhà phân tích, giá nhiên liệu này có thể leo lên ngưỡng 200 USD/thùng.

OPEC cho biết khối này đã gia tăng đáng kể sản lượng dầu thô, với tổng sản lượng của 12 nước thành viên trong tháng 2/2011 đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 9/2008, và sự sụt giảm trong sản lượng của Libya cũng đã được bù đắp bởi sự gia tăng nguồn cung từ Arập Xêút. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả các nước thành viên OPEC và nhất là các nước công nghiệp hóa, hiện có nguồn dự trữ dầu thô khá dồi dào.

Tuy OPEC cung ứng 40% nhu cầu dầu thô toàn cầu nhưng hầu hết các nước thành viên tổ chức này lại nằm ở Trung Đông và Bắc Phi, khu vực đang trong tình trạng cực kỳ bất ổn; trong đó, Arập Xêút - nước sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ lớn của thế giới - cũng đã chứng kiến nhiều cuộc biểu tình trong những ngày gần đây. Các chuyên gia cho rằng nếu tình hình ở Arập Xêút trở nên trầm trọng chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn tới nguồn cung dầu mỏ toàn cầu.

Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Arập Xêút chiếm 11,6% sản lượng dầu thô của thế giới, và có công suất dự phòng 2,5-3 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 60% công suất dự dự phòng của toàn OPEC.

Miêu tả những diễn biến gần đây tại các nước Arập là hiệu ứng "Đôminô", ông Ronald Stoeferle, chuyên gia kinh tế của ngân hàng Erste Bank của Áo, cho rằng tình hình hiện nay ở Trung Đông và Bắc Phi sẽ không sớm ổn định trở lại.

Những bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi có ảnh hưởng đặc biệt lớn tới nguồn cung năng lượng của Liên minh châu Âu (EU), do khu vực này cung ứng tới 16% nhu cầu khí đốt cho 15 nước thành viên EU, trong đó Tây Ban Nha và Italia phụ thuộc nhiều nhất, ở mức tương ứng 55% và 43%. Mặc dù sản lượng dầu thô của Libya không chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường toàn cầu, nhưng những tác động về sự gián đoạn nguồn cung từ nước này là không thể coi thường.

Các số liệu cho thấy trong số 14 thị trường xuất khẩu dầu thô của Libya thì có tới 11 nước châu Âu, với nguồn cung từ Libya chiếm hơn 20% tổng khối lượng nhập khẩu dầu thô của sang Italy, Ireland và Áo. Thêm vào đó, việc Arập Xêút tăng sản lượng cũng khó có thể loại bỏ hoàn toàn những tác động tiêu cực đối với nguồn cung năng lượng sang châu Âu, do chất lượng dầu mỏ của Arập Xêút không bằng của Libya cũng như một số lý do về địa lý.

Tuy vậy, không phải mọi chuyên gia đều có cái nhìn bi quan. Anas Alhajji, nhà kinh tế trưởng của công ty đầu tư năng lượng Energy Capital tin rằng giá dầu sẽ giảm mạnh sau khi tình hình ở Libya và những nước khác ở Trung Đông bình ổn trở lại.

Ông Alhajji nói: "Khi không còn lý do gì để giá dầu tiếp tục tăng, giới đầu cơ sẽ rút khỏi thị trường." Nhiều người cũng tin rằng OPEC và nguồn dầu mỏ dự trữ của thế giới vẫn đủ cung cấp cho đến tận đầu tháng 4/2011. Do đó, nếu không có nước sản xuất dầu mỏ lớn nào khác rơi vào tình trạng rối loạn, giá nhiên liệu này khó có thể tăng mạnh trở lại.

Ngoài ra, một số chuyên gia cũng quả quyết rằng trận động đất khủng khiếp xảy ra tại Nhật Bản - nước tiêu thụ dầu mỏ nhiều thứ ba thế giới - vào hôm 11/3 có thể sẽ giúp hạ nhiệt làn sóng đầu cơ trên thị trường dầu mỏ thế giới. Các thể chế như ngân hàng Commertzbank của Đức cũng cho rằng trận động đất này có thể sẽ làm giảm mức tiêu thụ dầu mỏ của Nhật Bản ít nhất là trong ngắn hạn./.

Phương Thảo (TTXVN/Vienam+)

Tin cùng chuyên mục