Hiểm họa thiên tai toàn cầu dưới góc nhìn kinh tế

Nhìn lại một năm 2011, hàng loạt thảm họa thiên tai trên toàn cầu đã giáng những đòn chí mạng vào tăng trưởng kinh tế thế giới, khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng và buộc chúng ta phải suy ngẫm lại về cách "hành xử" của chính con người đối với "Mẹ thiên nhiên". Trên phương diện an ninh lương thực, việc những nước sản xuất ngũ cốc chính trên thế giới như Thái Lan, Nga, Việt Nam đối mặt với các thiên tai cũng châm ngòi cho những rủi ro mới đối với thị trường lương thực toàn cầu vốn đã rất nóng bỏng.
Từ xưa đến nay, thiên tai đã gây ra những thiệt hại to lớn về người và của. Sự tàn phá của thiên tai càng khủng khiếp khi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và biến đổi khí hậu có xu hướng diễn ra với tốc độ nhanh hơn trong vài thập kỷ qua.

Nhìn lại một năm 2011, hàng loạt thảm họa thiên tai trên toàn cầu đã giáng những đòn chí mạng vào tăng trưởng kinh tế thế giới, khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng và buộc chúng ta phải suy ngẫm lại về cách "hành xử" của chính con người đối với "Mẹ thiên nhiên".

Có thể nói, 2011 là năm thế giới chứng kiến những thiệt hại nặng nề nhất về kinh tế do thiên tai gây ra. Trận siêu động đất và sóng thần kinh hoàng tại Nhật Bản, động đất tại New Zealand và Thổ Nhĩ Kỳ, lũ lụt hoành hành tại Australia, Thái Lan, Campuchia, bão lốc khốc liệt tại Mỹ...chỉ là một vài trong số hàng trăm thảm họa tự nhiên và hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra trên khắp các châu lục trong năm qua.

Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, thiệt hại do thiên tai trên thế giới trong cả năm 2011 ước tính lên tới hơn 1.500 tỷ USD, tương đương 4,4% GDP toàn cầu, con số cao gấp 3 lần so với mức thiệt hại tương ứng của năm 1970. Các hội nghị về biến đổi khí hậu toàn cầu từng khẳng định, một trong những nguyên nhân sâu sa của tình trạng này do sự khai thác bừa bãi tài nguyên thiên nhiên của con người, tìm kiếm lợi ích trước mắt để phục vụ cho công cuộc tăng trưởng kinh tế mà không lo ứng phó lâu dài. Quá trình này diễn ra từ hàng trăm năm nay và rồi cuối cùng chính con người phải hứng chịu cơn cuồng nộ của thiên nhiên.

Trong năm qua, châu Á-Thái Bình Dương là nơi bị thiên tai tàn phá nặng nề nhất thế giới. Tại Nhật Bản, trận động đất và sóng thần lịch sử hồi tháng 3/2011 đã khiến đất nước "Mặt Trời mọc" thiệt hại hơn 300 tỷ USD, cướp đi sinh mạng của khoảng 20.000 người. Đó còn là chưa tính đến những ảnh hưởng khác từ tình trạng thiếu điện sản xuất, khi động đất ảnh hưởng tới nhà máy điện hạt nhân Fukushima, cũng như những tác động tiềm ẩn tới kinh tế toàn cầu.

[Động đất ở Nhật Bản dịch chuyển cả trục Trái Đất]

Tại Thái Lan, trận lũ lụt lịch sử trong 50 năm qua quét qua miền Bắc và miền Trung nước này kể từ tháng 7/2011 ước tính đã làm hơn 600 người thiệt mạng, phá hủy hàng triệu ngôi nhà và gây thiệt hại kinh tế hơn 3 tỷ USD.

Khoảng 900 nhà máy ở 7 khu công nghiệp phía Bắc thủ đô Bangkok bị ngập lụt nặng đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng của nhiều công ty quốc tế, nhất là các công ty trong ngành chế tạo ôtô và linh kiện máy tính, trong đó có Toyota Motor Corp, Sony Corp và Western Digital. Cho dù nước lũ đã rút dần và chính phủ Thái Lan đã nhanh tay tung ra các gói kích thích kinh tế trị giá hàng tỷ USD để giúp đất nước khôi phục sau lũ lụt, song những thiệt hại lâu dài đối với đất nước chùa Vàng có thể còn diễn ra trong nhiều năm tới, nhất là nguy cơ các nhà đầu tư chuyển hướng dây chuyền sản xuất sang các thị trường tiềm năng khác như Ấn Độ và Indonesia.

[Thái Lan nỗ lực phục hồi kinh tế sau trận lũ lịch sử]

Trong năm 2011, nước Mỹ cũng phá kỷ lục về các hiện tượng thời tiết cực đoan với ít nhất 12 đợt thiên tai. Theo thống kê chính thức, hiện tượng thời tiết cực đoan ở Mỹ năm 2011 đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.000 người. Một nửa trong số các thảm họa khắc nghiệt nhất này là lốc xoáy, cướp đi sinh mạng của 540 người, gây thiệt hại 52 tỷ USD, cao hơn nhiều so với tổng thiệt hại do thiên tai ở nước này trong cả thập niên 1980. Các chuyên gia khí tượng nhận xét trong vài chục năm gần đây, chưa từng thấy năm nào có thời tiết khắc nghiệt, liên tục và gây hậu quả nghiêm trọng như năm 2011.

Theo dự báo, khu vực Tây Âu đứng trước nguy cơ có những đợt nóng thường xuyên hơn, đặc biệt ở vành đai Địa Trung Hải. Bão tại khu vực đông, nam Mỹ, và vùng Caribe sẽ dữ dội hơn do lượng mưa nhiều và gió mạnh hơn. Trong khi đó, khu vực Tây Phi sẽ chịu nhiều hạn hán hơn, còn tại vùng Nam Á và Đông Nam Á tần suất bão lớn sẽ gấp đôi. Tiếp sau thiên tai tàn phá là đến dịch bệnh hoành hành, số người bị thương tích, mất sức lao động tăng lên, chi phí khám chữa bệnh, phòng dịch tăng lên, lực lượng lao động giảm xuống, năng suất lao động sút kém, làm giảm tăng trưởng kinh tế.

Đây là một chuỗi biến cố kéo theo phải mất nhiều thời gian mới có thể phục hồi lại được, không chỉ ở nước nghèo mà ngay cả nước giàu cũng không dễ dàng đối mặt. Trên phương diện an ninh lương thực, việc những nước sản xuất ngũ cốc chính trên thế giới như Thái Lan, Nga, Việt Nam đối mặt với các thiên tai cũng châm ngòi cho những rủi ro mới đối với thị trường lương thực toàn cầu vốn đã rất nóng bỏng.

Theo số liệu thống kê ban đầu, lũ lụt khiến sản lượng gạo Thái Lan sụt giảm 6 triệu tấn trong niên vụ 2011-2012. Do hạn hán, nên sản lượng gạo tại Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 13 năm trở lại đây. Hầu hết giá cả thực phẩm đều tăng do sản lượng giảm sút, cung cấp không đủ, đe dọa nghiêm trọng tới tương lai an ninh lương thực toàn cầu. Xâu xa hơn, thiên tai cũng là nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp gây tình trạng nghèo đói, thất nghiệp, chính phủ phải dùng biện pháp tăng thuế, thắt chặt chi tiêu, giảm việc làm…dẫn đến làn sóng bất bình trong dân chúng và bất ổn xã hội.

Việt Nam được cảnh báo là một trong số những quốc gia trên thế giới dễ bị tổn thương và chịu ảnh hưởng nặng nhất do khí hậu ấm lên và mực nước biển dâng. Đây là nguy cơ hiện hữu đối với mục tiêu xóa đói giảm nghèo cũng như thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của Việt Nam. Hơn hết, để cứu vãn Trái Đất trước sự ấm lên toàn cầu, ngăn chặn các rủi ro thiên tai trong thời gian tới, thế giới cần sự nỗ lực phối hợp chung giữa các quốc gia, trên cơ sở gạt bỏ các bất đồng quyền lợi.

Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tại Durban (Nam Phi) cuối năm 2011 với một thỏa thuận mới mang tính ràng buộc giữa tất cả các nền kinh tế về việc cam kết cắt giảm khí thải trước năm 2020 thực sự là một điểm sáng, ghi nhận nỗ lực của con người trong ý thức bảo vệ Trái Đất trước khi quá muộn./.

Việt Khoa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục