Tìm lại "đôi chân" cho trẻ bị khuyết tật Bắc Giang

Điều hạnh phúc nhất với những người điều trị cho trẻ em khuyết tật vận động là các cháu được tự tin đứng trên đôi chân mình.
Bé Quế Anh, 3 tuổi, lũn cũn chạy khắp gian phòng. Cháu không hề biết hiện diện hôm nay trên hàng đại biểu có cả vị đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Hungary và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang. Với Quế Anh, thế giới của em chỉ là những bạn bè khuyết tật trong lớp học 3 tuần em đã trải qua.

Đó chỉ là một trong số 693 trẻ khuyết tật tỉnh Bắc Giang được Chính phủ Hungary tài trợ trong dự án phục hồi chức năng vận động.

Đứng trên đôi chân của chính mình

Có lẽ đây là lần đầu tiên vị đại sứ đặc mệnh toàn quyền của một nước châu Âu được dự một cuộc họp “vui vẻ” đến thế. Trong gian phòng của buổi lễ bế giảng khóa học đào tạo chuyên môn về hồi phục chức năng cho trẻ khuyết tật thành phố Bắc Giang, bên cạnh nét mặt trang nghiêm của đại biểu là những nụ cười vô tư trên môi hơn chục cháu bé Việt Nam.

Và có lẽ, đây cũng là lần đầu tiên, Quế Anh được hát cho một đại sứ nước ngoài nghe một bài hát Việt Nam. Mẹ cháu xúc động kể: “Đây là lần đầu tiên  cháu Quế Anh có thể đứng vững trên chính đôi bàn chân của mình để vừa múa vừa hát một cách tự tin và kiêu hãnh đến thế cho hơn một trăm đại biểu đang ngồi kín khán phòng”.

Sau một thời gian chữa trị ngắn theo phương pháp mới của Hungary, kết hợp với phương pháp điều trị của Bệnh Viện phục hồi chức năng Bắc Giang, tính đến nay, mặc dù vẫn còn phải dùng nẹp hỗ trợ nhưng Quế Anh đã có thể chạy nhảy trên đôi chân nhỏ bé của mình. Đứng dưới khán phòng đầy khách quốc tế và đại biểu của Tỉnh Bắc Giang, cháu vẫn chạy nhảy và cười hát vang như ở giữa nhà mình.

Quế Anh chỉ là một trong rất nhiều trẻ được hưởng lợi từ dự án. Điều dưỡng viên Nguyễn Thị Bích Lan đến bây giờ vẫn chưa thể quên được điều mà cô gọi là “phép màu” đã đến với trường hợp hai anh em ruột bị dị tật bẩm sinh. Cô nhớ lại: Khi dự án đã được triển khai một thời gian, cô được phân công chăm sóc hai bệnh nhân đến từ huyện nghèo Lục Nam, Bắc Giang.

“Hai anh em cháu đều bị khuyết tật vật động. Anh thì không thể cử động được cánh tay. Em thì cổ yếu, đến 3 tuổi vẫn chưa thể lẫy được, chỉ nằm không”, Lan hồi tưởng.

Người anh, sau một thời gian được ra viện. Nhưng cháu bé hơn tên Lâm thì vẫn phải ở lại với các cô. Ngày này qua ngày khác, Lan kiên trì tập cho Lâm những phản xạ giản đơn nhất: từ cầm nắm, ngồi dậy đến nhận biết lạ quen. Lan bảo, bỏ chừng ấy công nhưng điều làm cô mừng nhất rất giản đơn là giờ đây Lâm đã có thể ngẩng thẳng cổ, biết cầm nắm và đặc biệt là nhận biết được những gì đang diễn ra xung quanh.

"Hạnh phúc khi thấy trẻ được là người bình thường"

Khác với Lâm và Quế Anh, cháu Bùi Thị Hương Giang sinh ra trong một gia đình thuần nông ở Lục Nam, Bắc Giang. Theo lời mẹ cháu kể lại, ngay từ bé, Giang đã chậm phát triển, suốt ngày chỉ nằm cười u ơ trên sàn nhà. Bố mẹ mải đi làm kiếm ăn nên cũng không để ý đến.

Được 16 tháng, Giang vẫn bé như… cái kẹo, đầu gật sang một bên và vẫn chỉ biết cười. Đến lúc này, gia đình mới bán hết trâu bò trong chuồng đưa con đi… “chữa lớn”. Nhưng đi mãi, tiền thuốc cứ ăn dần căn nhà mà bệnh vẫn thế.

May cho Giang, cháu được giới thiệu đến với dự án. Giờ đây, trước mặt chúng tôi Giang đã có thể cầm nắm được, biết gọi mẹ và khóc toáng lên khi thấy người lạ mặt. Với chị Lan, vậy cũng đã là niềm hạnh phúc không thể nào ngờ tới được.

“Đến đây, con chúng tôi có cơ hội lại được làm người, mà gia đình cũng đỡ vất vả vì được hỗ trợ chi phí,” chị Lan tâm sự.

Theo ông Szenczy Sandor, chủ nhiệm dự án, điểm đặc biệt nhất của phương pháp điều trị được áp dụng tại Bắc Giang lần này là các chuyên gia sẽ kích thích khả năng vận động của trẻ. Trên cơ sở này, trẻ sẽ tự khắc phục những nhược điểm của bản thân.

“Khác với các phương pháp của Việt Nam chủ yếu tác động vào các bộ phận bên ngoài như xoa bóp chân tay, châm cứu thì phương pháp này tạo điều kiện để trẻ tham gia tích cực hơn vào các hoạt động”, ông Szenczy cho biết thêm.

Trong trí nhớ của ông vẫn in rõ hình ảnh một cô bé 9 tuổi người Lục Nam, Bắc Giang. Khi được đưa vào trung tâm, em đã phải trải qua rất nhiều khóa điều trị khác nhau, nhưng em chỉ có thể “lồm cồm” bò bằng đầu gối và các khuỷu tay.

Nhưng chỉ sau 3 tuần, em gái nọ đã có thể đứng thẳng dậy và chào vị khách nước ngoài tốt bụng. Lúc ấy, người đàn ông cao to người Hungary bỗng thấy vỡ òa ra trong niềm vui sướng tột cùng.

Đó cũng là niềm vui chung của cả 80 bác sỹ, điều dưỡng viên cũng như chuyên gia Bắc Giang khi nâng đỡ được những đôi chân không lành. Ngồi giữa khán phòng, các cháu đã có thể đùa nghịch, đã có thể “dắt” các cô đi chỗ này chỗ khác. Và đặc biệt nhất, các cháu dần được trả về đúng cuộc sống các cháu đáng được hưởng.

Nữ điều dưỡng viên kiêm “cô giáo” Nguyễn Thị Bích Lan là một trong những người tham gia dự án từ đầu. Trải qua thời gian một năm, đến nay Lan đã dạy cho rất nhiều cháu những bước đi đầu tiên trong đời. Lan bảo: “Chừng ấy thời gian sống chung với các con, điều tôi thấy hạnh phúc nhất là thấy các con tự đứng được, ngồi được, nói được và tự suy nghĩ được bằng trí tuệ của mình”./.

Sơn Bách (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục