"Văn học trẻ cũng đã làm đúng sứ mạng của mình"

Theo nhà văn Xuân Hà, dù chưa thực sự thành công, văn học trẻ cũng đã làm đúng sứ mạng khi tiếp nối truyền thống và tìm tòi thể nghiệm.
Trước thềm Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với nhà văn Võ Thị Xuân Hà, Trưởng ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam, nhằm giúp độc giả có thể hình dung ra bức tranh đời sống văn học trẻ nước nhà trong những năm qua. - Là Trưởng ban Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam, chị có nhận xét gì về đời sống văn học trẻ nước nhà trong 5 năm qua?Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: Văn học trẻ tính những tác giả có độ tuổi từ 40 trở xuống. Việc đánh giá toàn cục hay nói đúng hơn là dòng chảy văn học trẻ 5 năm qua tôi chỉ dám nói với tư cách là nhà văn và là một người đã có điều kiện đứng cạnh những cây bút trẻ. Theo tôi, trong 10 năm qua là "thời gian nháp” của các tác giả. Tính mốc từ Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 7, tổ chức tại Hội An vào năm 2006 đến nay, theo đánh giá chung của những người lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam thì văn học trẻ chưa được thành công cho lắm. Trong đó, nguyên nhân khách quan như tôi đã nói, đây là một "thập niên nháp.” Khi dòng chảy truyền thống đang được lớp nhà văn đi trước tiếp nối thì các cây bút trẻ lại muốn nhìn nhận lại để tìm một hướng thể nghiệm mới. Bên cạnh đó, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin khiến cho người ta có nhiều giao dịch với nhau qua cổng Internet, văn hóa đọc bị chững lại. Do vậy, các tác phẩm, tác giả mới chưa có được chỗ đứng nhất định trong lòng độc giả sẽ dễ bị gạt ra. Điều đó khiến cho nhiều nhà văn đi trước đánh giá là văn học trẻ chưa thành công. Tuy nhiên, công bằng mà nói, trong những năm qua, văn học trẻ cũng đã làm đúng sứ mạng của mình khi họ tiếp nối truyền thống và tìm tòi thể nghiệm. - Chị đánh giá thế nào về “văn học đồng tính” của các cây bút trẻ?Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: Đồng tính là một đối tượng được một số tác giả đề cập đến. Tôi không quan tâm lắm đến đối tượng mà chỉ quan tâm xem cách họ viết thế nào. Những người viết về đối tượng này cũng có những thành công nhất định như Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Quỳnh Trang, Bùi Anh Tấn. - Một số cây bút trẻ đã bằng mọi cách để “lạ hóa” tác phẩm của mình khiến có lúc văn học bị chệch đường, méo mó và phản cảm. Chị nhận xét gì về những trường hợp như vậy?Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, bên cạnh tiếp nối truyền thống, văn học cũng cần phải có sự thể nghiệm bởi nếu không thể nghiệm thì chẳng bao giờ tìm ra được dòng trào lưu mới. Bởi vậy, chúng ta nên ủng hộ sự thể nghiệm, tìm tòi. Trong thể nghiệm có thể có sự thành công nhưng cũng có thể sẽ thất bại. Nếu tác phẩm thể nghiệm không thành công mà trở nên phản cảm thì cũng để người khác nhìn vào mà tránh. - Theo chị, những cây bút trẻ còn thiếu yếu tố gì để tạo nên tên tuổi của họ?Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: Nói một cách tương đối, người viết trẻ còn thiếu sự trải nghiệm so với lớp lớn tuổi hơn. Bên cạnh đó, hiện nay, lớp trẻ có điều kiện thu nạp nhiều kiến thức song do nhu cầu cuộc sống, họ ôm đồm nhiều việc, không tập trung năng lượng và kiến thức chuyên sâu cho sáng tác. - Chị có thể kể tên một số nhà văn, nhà thơ trẻ tiêu biểu hiện nay?Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: Kể ra thì cũng nhiều đấy nhưng nổi hơn có nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, Phong Điệp, Di Li, Nguyễn Đình Tú, nhà thơ Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, dịch giả Nguyễn Bích Lan… - Có ý kiến cho rằng, trong Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc thì phần “hội” vẫn nhiều hơn phần “nghị,” không thể có sự chuyển biến về văn học trẻ, trước và sau hội nghị. Còn ý kiến của chị như thế nào?Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: Nói “hội” nhiều hơn “nghị” cũng đúng. Nếu “nghị’ nhiều hơn “hội” thì sẽ biến hội nghị thành một cuộc họp căng thẳng. Hội nghị cũng là cơ hội để các bạn trẻ gặp nhau và giao lưu với nhau một cách thoải mái, phấn chấn, giúp tăng cảm hứng sáng tác. Chúng ta đừng hình dung là sau hội nghị về thì sẽ gặt hái tưng bừng tác phẩm của các tác giả trẻ. Có thể phải 10, 20 năm sau khi dự hội nghị họ mới thành công. Chúng ta không thể đo sự thành công bằng thời gian hay số lượng tác phẩm mà phải nhận định đây là lớp nhà văn trẻ. Họ sẽ góp phần làm nên sứ mạng lịch sử cho văn học nước nhà. Tuy nhiên, không thể nói 10 năm một người im lặng nghĩa là người ta không viết nữa mà là người ta đang tập trung tìm dữ liệu, định hướng và nháp những tác phẩm của mình. - Đến nay có thể nói, việc giới thiệu sách cho các nhà văn trẻ từ phía Hội Nhà văn cũng như các tổ chức còn ít được quan tâm, các nhà văn phải tự loay hoay tìm cách PR đứa con tinh thần của mình. Vậy theo chị, trong thời gian tới Hội cần làm gì để tạo ra cú hích cho đội ngũ sáng tác này?Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: Tôi nghĩ rằng, mỗi hoạt động của Hội đã, đang và sẽ làm đều là những cú hích cho các tác giả. Ví như việc Hội xét giải hàng năm, xét kết nạp hội viên, các cuộc tọa đàm, hay như tổ chức Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc này… - Xin trân trọng cảm ơn chị!
Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8 sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 11/9, tại Tuyên Quang. Trước đó, vào ngày 7/9, 114 đại biểu là các cây bút trẻ tiêu biểu từ 17 đến 35 tuổi của các tỉnh, thành trên cả nước sẽ tập trung tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam để họp Hội nghị trù bị.
Thiên Linh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục