Hà Nội chung sức cùng cả nước kiềm chế lạm phát

Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Hà Nội chung sức với cả nước kiềm chế lạm phát.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Hà Nội cùng chung sức với cả nước kiềm chế lạm phát.

Sáng 5/3, phát biểu chỉ đạo Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội năm 2011 trên địa bàn thành phố Hà Nội, Phó Thủ tướng cho rằng trước tiên, phải tạo sự ổn định, đồng thuận trong xã hội, quyết tâm cao thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.

“Hà Nội thực hiện thành công Nghị quyết 11 của Chính phủ thì cả nước sẽ thành công. Thành công kiềm chế lạm phát ở Hà Nội có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với kết quả chung của cả nước,” Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

Đánh giá cao tinh thần khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp kiềm chế lạm phát của thành phố Hà Nội, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Hà Nội phát huy những kinh nghiệm thành công trong việc kiềm chế lạm phát năm 2008, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị ngăn chặn lạm phát.

“Đây là công việc rất quan trọng nhưng rất khó. Chúng ta thực hiện thành công sẽ tác động rất lớn không chỉ cấp bách trước mắt mà còn về lâu dài. Chúng ta không chỉ có được sự phát triển bền vững mà còn giải quyết tốt các vấn đề xã hội.”

Hà Nội có thị trường tài chính tiền tệ hàng đầu quốc gia, vì vậy, việc quan trọng của ngăn chặn lạm phát là bình ổn thị trường, giá cả, lãi suất, tỷ giá. Vừa kiềm chế lạm phát vừa điều chỉnh giá cả, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, tạo ra nền sản xuất hiệu quả hơn. Cùng với đó phải có phương án dự trữ hàng hóa, phân phối hợp lý, đảm bảo an sinh xã hội. “Hà Nội không được để thiếu hàng, nhất là các mặt hàng thiết yếu,” Phó Thủ tướng đề nghị.

Với trách nhiệm là người lãnh đạo cao nhất của thành phố, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị yêu cầu các đơn vị trên địa bàn thành phố phải thực hiện thật nghiêm túc Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Cần phải cụ thể hóa hơn nữa các nhiệm vụ quan trọng, chương trình hành động của Chính phủ và Ủy ban Nhân dân thành phố. Một trong những vấn đề đầu tiên cần quán triệt là tính chất cấp bách, tầm quan trọng của nhiệm vụ kiềm chế lạm phát. Phải có sự chuyển biến về nhận thức trong đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt, đến từng cán bộ, người dân.

Giao nhiệm vụ cho lãnh đạo các sở, ban, ngành, các quận, huyện, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo yêu cầu phải triển khai đồng bộ, toàn diện các biện pháp theo kế hoạch cụ thể nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2011.

Nhiệm vụ kiềm chế lạm phát theo Nghị quyết 11 là trọng tâm, cấp bách, là nhiệm vụ tiên quyết để làm điểm tựa, tiền đề hoàn thành các nhiệm vụ khác. Phải xác định nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp thực hiện; phân công rõ trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, quy định thời gian hoàn thành cụ thể; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai, tổ chức thực hiện, có hình thức biểu dương, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân làm tốt, đồng thời xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, không hoàn thành nhiệm vụ.

Chương trình hành động của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ gồm năm nội dung. Cụ thể là thực hiện nghiêm túc chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; tăng thu ngân sách, tiết kiệm chi tiêu; rà soát, cắt giảm, dãn tiến độ các dự án đầu tư công; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xuất khẩu và sử dụng tiết kiệm năng lượng; tăng cường các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội; chú trọng công tác thông tin tuyên truyền đẩy đủ, trung thực, khách quan, chính xác.

Trong đó, Hà Nội xác định điều hành và kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20% của hệ thống; tập trung ưu tiên vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa; giảm tốc độ và tỷ trọng vay vốn tín dụng của khu vực phi nông nghiệp sản xuất, nhất là lĩnh vực bất động sản (trừ dự án xây dựng nhà ở xã hội), chứng khoán.../.

Thanh Bình (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục