Điều chỉnh tỷ giá USD phải căn cứ chính sách tiền tệ

Sau Tết Nguyên đán, giá USD trên thị trường tự do tại Hà Nội liên tục tăng sát mức 21.100 đồng/USD. Trong khi đó, tỷ giá bình quân liên ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước công bố vẫn ở mức 20.828 đồng/USD, thấp hơn khoảng 1% so với giá tại thị trường tự do. Trước thông tin về một số ý kiến đề xuất điều chỉnh tăng tỷ giá ở mức 3% để hỗ trợ xuất khẩu, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định: tỷ giá hối đoái là một công cụ của chính sách tiền tệ, vì vậy việc điều hành tỷ giá phải nhằm mục tiêu chính sách tiền tệ là ổn định giá trị đồng tiền biểu hiện bằng chỉ tiêu lạm phát, quyết định sử dụng các công cụ và biện pháp để thực hiện mục tiêu đề ra.
Sau Tết Nguyên đán, giá USD trên thị trường tự do tại Hà Nội liên tục tăng sát mức 21.100 đồng/USD. Trong khi đó, tỷ giá bình quân liên ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước công bố vẫn ở mức 20.828 đồng/USD, thấp hơn khoảng 1% so với giá tại thị trường tự do.

Trước thông tin về một số ý kiến đề xuất điều chỉnh tăng tỷ giá ở mức 3% để hỗ trợ xuất khẩu, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định: tỷ giá hối đoái là một công cụ của chính sách tiền tệ, vì vậy việc điều hành tỷ giá phải nhằm mục tiêu chính sách tiền tệ là ổn định giá trị đồng tiền biểu hiện bằng chỉ tiêu lạm phát, quyết định sử dụng các công cụ và biện pháp để thực hiện mục tiêu đề ra.

Theo bà Hồng, việc điều hành tỷ giá cần phải được xem xét trong tổng thể điều hành chính sách tiền tệ năm nay. Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát ở mức thấp hơn và tăng trưởng kinh tế cao hơn năm trước. Đồng thời, Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh như hỗ trợ quá trình xử lý nợ xấu, hỗ trợ thị trường bất động sản…

Trên thực tế, lạm phát tháng Một vừa qua tăng 1,25% và nhiều khả năng chỉ số này tiếp tục cao hơn vào tháng Hai này. Đây chính là những áp lực dẫn đến nguy cơ tăng lạm phát trong thời gian tới. Muốn đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức thấp hơn năm 2012 theo mục tiêu của Chính phủ đề ra là hết sức khó khăn. Do vậy, tại thời điểm này, chưa nên đặt vấn đề điều chỉnh tăng tỷ giá, bởi sẽ tạo thêm áp lực tăng lạm phát.

Ngoài ra, việc điều chỉnh tăng tỷ giá cũng cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng giữa cái được và những tác động của nó tới việc thực hiện mục tiêu chính sách kinh tế vĩ mô, bà Hồng phân tích.

Về mặt lý thuyết, điều chỉnh tăng tỷ giá có thể hỗ trợ xuất khẩu. Thời gian qua, cung cầu ngoại tệ có sự cải thiện, Ngân hàng Nhà nước đã mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, đồng thời góp phần ổn định tỷ giá đã phần nào hỗ trợ cho xuất khẩu. Nhưng nếu Ngân hàng Nhà nước không mua thì khả năng tỷ giá sẽ giảm, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn hơn.

Tuy nhiên, để khẳng định khả năng hỗ trợ của việc điều chỉnh tăng tỷ giá đến xuất khẩu, cần cân nhắc tới một số vấn đề như: cầu của nước ngoài hiện đang ở mức thấp; cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đa phần là hàng sơ chế, có độ co dãn thấp; khả năng cạnh tranh hàng xuất khẩu không chỉ phụ thuộc vào giá mà còn phụ thuộc vào chất lượng, chủng loại của hàng hóa…

Trước những tác động của việc điều chỉnh tăng tỷ giá đến mục tiêu kinh tế vĩ mô, bà Hồng cảnh báo về một số tác động liên quan. Sản xuất trong nước của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu hàng hóa vốn, nguyên nhiên vật liệu từ nước ngoài. Khi điều chỉnh tăng tỷ giá, giá hàng nhập khẩu tính bằng đồng Việt Nam sẽ gia tăng, theo đó tạo áp lực lên lạm phát.

Điều chỉnh tăng tỷ giá còn làm nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ tính bằng đồng Việt Nam gia tăng, gây khó khăn cho Ngân sách Nhà nước. Suốt một thời gian dài vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã giữ ổn định tỷ giá, tạo được niềm tin đối với đồng Việt Nam, nên việc điều chỉnh tăng tỷ giá cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, tránh tác động tâm lý, kỳ vọng tăng tỷ giá…

Để thực hiện chủ trương kiểm soát lạm phát ngay từ đầu năm theo chỉ đạo của Chính phủ, thời điểm này chưa nên đặt vấn đề điều chỉnh tăng tỷ giá để tránh tạo nhiều áp lực đến lạm phát khi nó đang có nguy cơ tăng trở lại. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diến biến kinh tế vĩ mô và tiền tệ trong và ngoài nước để có sự điều hành phù hợp, nhằm đạt được mục tiêu tổng thể của chính sách tiền tệ.

Theo thống kê, tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán trong hai năm vừa qua (2011 và 2012) thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng trên 30%/năm của nhiều năm trước đây đã khiến áp lực tăng tỷ giá từ phía điều hành chính sách tiền tệ không còn nữa. Đây cũng chính là thành công khẳng định các công cụ chính sách tiền tệ được điều hành đồng bộ, linh hoạt, đặc biệt là sự kết hợp hài hòa giữa chính sách lãi suất và tỷ giá.

Lãi suất VND được điều tiết giảm mạnh, trong khi vẫn khống chế trần lãi suất huy động ngoại tệ, đã góp phần làm cho đồng VND có sức hấp dẫn hơn, giảm tình trạng găm giữ đô la Mỹ, khuyến khích doanh nghiệp và người dân bán ngoại tệ cho ngân hàng. Nhờ đó, Ngân hàng Nhà nước tăng được dự trữ ngoại hối ở mức lớn; cung cầu ngoại tệ được cải thiện thể hiện qua cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam năm 2012 thặng dư ở mức lớn (khoảng trên 10 tỷ USD).

Đặc biệt, năm 2012, các yếu tố đẩy cầu ngoại tệ tăng cao do tâm lý, kỳ vọng, sức hấp dẫn của đồng USD đã giảm. Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành tăng cường công tác quản lý ngoại hối, chấn chỉnh hoạt động trên thị trường tự do, xử lý nghiêm các vi phạm về quản lý ngoại hối, ban hành khuôn khổ pháp lý và thực hiện các giải pháp quản lý thị trường vàng đã hỗ trợ tích cực cho việc giảm tình trạng đầu cơ và găm giữ vàng và ngoại tệ, khuyến khích người dân bán ngoại tệ cho các ngân hàng, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước ở mức cao./.

Thu Hằng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục