Hành trình dặm dài của chàng trai đi bằng tay

Phau Xiêng Sô Phiếp bị liệt từ khi 17 tháng tuổi nhưng đã vượt lên số phận trở thành một lập trình viên, giáo viên dạy tin học.
Phau Xiêng Sô Phiếp chưa bao giờ biết đứng. Mới chỉ 17 tháng tuổi, Phiếp đã bị bại liệt cả 2 chân do cơn sốt biến chứng. Chàng trai người dân tộc Khơ Me quê ở An Giang đã đi bằng cả đôi tay và 2 chân bị liệt của mình ra tận Thủ đô để làm một lập trình viên, giáo viên dạy tin học.

 Cuộc đời ngỡ định mệnh của Phiếp và những ước mơ dài bắt đầu từ chiếc xe lăn bằng gỗ của cha và những dự định lớn lao của cá nhân mình.

"Đôi chân" bằng gỗ

Lớn lên, trong khi đám bạn vùng quê nghèo ở ấp An Lợi, xã Châu Long, huyện Tri Tôn, An Giang vui đùa chạy nhảy cùng bạn bè thì Phiếp phải khó nhọc di chuyển bằng cả tay và chân. Ngày đó, mỗi khi trở về nhà, cả người Phiếp lấm đầy bụi đất. Cha của Phiếp là Chau Xiêng nhìn con sốt ruột. Người cha nghĩ, không thể để con trai mình cả đời cúi mặt xuống đất được.

Ông bắt đầu kế hoạch của riêng mình bằng cách đi gom những mảnh gỗ trong khắp ấp. Và mất hơn hai tuần để ghép những mảnh gỗ lại với nhau. Vào một ngày trời mưa tầm tã, nhìn đám trẻ vui đùa chơi dưới mưa, ông đưa chiếc xe lăn bằng gỗ và bảo con trai: Hãy cùng ra chơi với bạn bằng “đôi chân” này đi.

Giờ đây khi kể về chiếc xe lăn đầu tiên của đời mình, Phiếp vẫn nhớ ánh mắt rạng ngời của cha hôm đó. Phiếp nhớ cảm giác bàn tay bé nhỏ của mình chạm vào chiếc bánh xe lăn, cả chiếc xe như có phép màu.

Từ đó, mọi người ở ấp An Lợi đã quen với hình ảnh chú bé gầy còm ngồi lọt thỏm trên chiếc xe đi khắp mọi nơi.

Vùng đất An Lợi, huyện Tri Tôn là nơi sinh sống của bà con mộ đạo Khmer. Ở dưới chân quả đồi, có một ngôi chùa Khơ Me mà Phiếp ngày nhỏ vẫn thích nhưng tới được đó, phải vượt qua con đường đất chạy dọc cánh đồng.

Ước mơ lớn nhất hồi còn nhỏ của Phiếp là tự mình đi đến được ngôi chùa Khmer này. Nơi này mỗi khi đi học về Phiếp vẫn thường ngồi lặng lẽ một mình rất lâu trước cửa chùa nhìn về phía cánh đồng ngút ngát, Phiếp nghĩ có lẽ rồi cả cuộc đời mình sẽ không bao giờ vượt ra khỏi cánh đồng này.

Tai họa bất ngờ ập đến, năm Sô Phiếp học lớp 9, người cha, chỗ dựa chính trong cuộc sống lâm bệnh và đột ngột qua đời. Gia đình em rơi vào cảnh khốn khó, người mẹ bao năm suy sụp lại bị sốc một lần nữa khiến sức khỏe tiều tụy hơn.

Chính trong hoàn cảnh khắc nghiệt này, Phiếp nghĩ mình không thể là gánh nặng thêm cho gia đình nữa. Sô Phiếp lao vào học như một con thiêu thân, kết quả học tập ngày càng tốt hơn. “Em nghĩ với sức khỏe của mình chỉ làm được những công việc tĩnh, nên em tìm đọc những sách về tin học để có khả năng tiếp cận với thế giới một cách nhanh nhất” - Phiếp tâm sự.

Rồi số phận cũng run rủi mỉm cười với em. Sau khi Phiếp học xong khóa học trung cấp tin học tại Cần Thơ thì cơ hội đã đến. Phiếp đã đăng ký và được nhận vào khóa học đào tạo lập trình viên cho người khuyết tật của tổ chức phi chính phủ từ Ấn Độ.

Đây cũng là bước ngoặt lớn trong đời, khi lần đầu tiên chàng trai người Khmer xuất thân từ ấp nghèo của tỉnh An Giang ra tận Hà Nội đi học.

Gieo chữ trên xe lăn

Trong căn phòng rộng chừng 30m2, tiếng lách cách từ bàn phím vang lên từ những chiếc xe lăn, Nguyễn Thị Hằng đang vất vả khi phải gõ bằng mười ngón với cổ tay bị tật từ khi em mới 6 tuổi. Những động tác gõ vào dấu cách trên bàn phím liên tục được Hằng lặp đi lặp lại dưới sự hướng dẫn của Sô Phiếp.

Thỉnh thoảng Phiếp lại di chuyển liên tục như con thoi đến với hơn 20 học sinh trong 2 dãy bàn để hướng dẫn từng chi tiết thực hành trên máy tính. Quay lại trò chuyện với tôi, Phiếp bảo rằng nếu không có lần suýt chết hụt thì chưa chắc anh đã có mặt ở căn phòng này để làm giáo viên cho người khuyết tật như bây giờ.

Năm 2008, trận lụt lịch sử ở Hà Nội, căn phòng nhỏ Phiếp trọ ở Mỹ Đình ngập giữa đồng mênh mông nước, một mình ở nhà với chiếc xe lăn không xoay xở được. Ngồi trên giường nhìn biển nước lên mỗi lúc một cao, Phiếp chỉ biết khóc. May thay, một người dân đã đưa thuyền tới cứu, nhờ đó mà Phiếp qua được trận lụt chết người này.

Sau lần may mắn thoát chết trong gang tấc đó, Phiếp nghĩ với người khuyết tật phải nương tựa vào nhau để sống. Và cũng đã đến lúc Phiếp làm điều gì đó để giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ như mình.

Từ bỏ chỗ làm ngoài với lương tháng cao hơn, Phiếp xin về Trung tâm dạy nghề nhân đạo T&T để làm giáo viên dạy tin học với mong muốn được sẻ chia nhiều hơn kiến thức đã học để giúp cho nhiều người khác.

Giờ đây dưới sự hướng dẫn của Phiếp, hàng ngày có khoảng hơn 20 anh chị em khuyết tật, chất độc da cam và có cả những em nhỏ không may mắn đã đến để được làm quen với bàn phím. Em Nguyễn Thị Hằng 10 tuổi, khi nói về người thầy khuyết tật của mình cho hay: “Thầy giáo Sô Phiếp là tấm gương vượt lên số phận để chúng em noi theo, học hỏi”.

Trao đổi với tôi, thầy Phạm Văn Tiến - Chủ tịch Hội đồng Trung tâm dạy nghề nhân đạo T&T không khỏi tự hào về đồng nghiệp từng là học trò của mình: “Khi cùng với đồng sự sáng lập trung tâm này, tôi muốn rèn cho học viên và các cộng sự của mình tính hướng thiện, không ngừng vươn lên, sống có ích cho xã hội. Sô Phiếp là một cộng sự, một người thầy xuất sắc đã chiến thắng bản thân bằng ý chí và nghị lực phi thường, là niềm tự hào của trung tâm”.

Giờ đây mơ ước lớn nhất của Sô Phiếp là hy vọng sau khi hoàn thành các khóa học căn bản và nâng cao, những người khuyết tật như Hằng có thể làm việc tại một công ty ngoài để tự trang trải cuộc sống của mình./.

Thông Chí (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục