Luật Du lịch bảo vệ quyền lợi “thượng đế” cách nào?

Du khách đóng vai trò trung tâm, là tiêu chuẩn đánh giá hoạt động của ngành du lịch nhưng quyền lợi có được Luật Du lịch bảo vệ?
Trên các phương tiện thông tin đại chúng, Việt Nam vẫn được quảng bá là điểm đến an toàn, thân thiện. Nhưng thực tế, chúng ta vẫn bắt gặp hình ảnh khách du lịch bị chặt chém, bắt chẹt, đối xử thô bạo một cách thiếu văn hóa… Và dù Luật Du lịch (Quốc hội thông qua và ban hành tháng 6/2005) đã dành hẳn chương V và ba điều của chương X để nói về quyền và nghĩa vụ của du khách thì trong tình hình có nhiều biến đổi của nền kinh tế, chính trị, xã hội Việt Nam Luật đã bộc lộ nhiều kẽ hở cần được bổ sung và sửa đổi. Quyền đã có, nhưng không ai chịu trách nhiệm Tại Hội thảo Luật Du lịch (do Dự án ESRT hỗ trợ) tổ chức vào ngày 30/5 tại Hà Nội, Tổng Thư ký Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Nguyễn Tuấn Việt đã đánh giá về Luật Du lịch Việt Nam rằng, những điều khoản vẫn còn đơn giản, chưa cụ thể, rõ ràng. Ông này dẫn chứng: “Ví dụ điều 86, chương X, quy định về khiếu nại của khách du lịch nhưng chưa thể hiện rõ ai chịu trách nhiệm bảo vệ khách du lịch và ai đại diện cho quyền lợi của họ.”… Còn Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình bức xúc: “Ta vẫn nói khách hàng là ‘thượng đế’ nhưng thực ra đã khi nào khách hàng thực sự được là ‘thượng đế’ chưa? Ngay trong tư tưởng của người kinh doanh cũng không có chuyện đó đâu, chẳng qua mới chỉ dừng ở nói suông thôi chứ không thể hiện rõ ra bằng Luật.” Mặc dù Luật trong chương X có bảy khoản về quyền lợi của khách du lịch nhưng chừng ấy vẫn chưa đủ để tạo thành vành đai bảo vệ vững chắc cho du khách. Từ thực tế đó ông Bình cho rằng, đã đến lúc quyền lợi của du khách phải được nêu lên một cách rõ ràng, như việc xác định vai trò và bảo vệ khách đến đâu, lực lượng nào chịu trách nhiệm an ninh an toàn cho khách, nếu xâm phạm quyền lợi khách thì phải bị xử phạt ra sao... “Bởi, nếu không đảm bảo được những điều đó tức là chúng ta tự cắt dạ dày mình, tự hủy hoại ngành kinh tế của mình. Do đó, đây chính là tiền đề cho những quy định khác,” ông Bình nhấn mạnh. Bên cạnh đó, một trong những trách nhiệm theo quy định mà các doanh nghiệp lữ hành kinh doanh phải thực hiện là ký quỹ một số tiền nhất định với ngân hàng để phòng trường hợp doanh nghiệp đột ngột giải thể, phá sản hay tai nạn... Thế nhưng, Luật lại không quy định đối tác của doanh nghiệp du lịch là các điểm lưu trú, khu du lịch, hãng vận chuyển... cũng cần phải ký quỹ. Giám đốc Golden Tour Trần Tiến Dũng cho rằng, cần có chế tài cho bên thứ ba khi họ cũng tham gia phục vụ khách. Bởi, ký quỹ  như vậy cũng là để bảo vệ khách hàng trong trường hợp doanh nghiệp chẳng may phá sản. Theo ông Dũng, nên bắt buộc khách mua bảo hiểm du lịch để phòng rủi ro, tránh gặp phải trường hợp “đem con bỏ chợ” tai tiếng như Công ty Lanta-Tour của Nga hồi tháng Một vừa qua. Khi sự việc xảy ra, để bảo vệ lợi ích tài chính của mình, nhiều nước đã có các biện pháp hành xử khác nhau. Có nước đã bắt đại diện của Lanta-Tour, có nơi giữ hộ chiếu của khách du lịch không cho dời khách sạn để đảm bảo việc thanh toán… Bảo vệ "thượng đế" cách nào? Bỏ qua những điều vẫn được cho là “biết rồi khổ lắm nói mãi” về vai trò quan trọng của sự ra đời Luật Du lịch, rồi những bất cập khó tránh khi Luật được thực thi trong bối cảnh nhiều biến động của xã hội Việt Nam…, các chuyên gia đều nhất trí cho rằng cần phải trả lời được câu hỏi cuối cùng, đó là bảo vệ khách du lịch bằng cách nào? Đại diện cho các hãng lữ hành, ông Nguyễn Tuấn Việt kiến nghị bổ sung thêm vào Luật về cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ du khách, như đặt tại các khu du lịch trọng điểm trạm tiếp nhận và giải quyết những vướng mắc, phản ánh của khách. Theo ông Việt, cũng cần thành lập lực lượng chuyên trách nhằm hỗ trợ, bảo vệ khách du lịch gọi như Cảnh sát Du lịch hay Bảo vệ Du lịch chẳng hạn. Ngoài ra, thanh tra du lịch cũng cần lập đường dây nóng tại các khu và khuyến khích vai trò của cơ quan truyền thông cũng là những kiến nghị đáng để các cơ quan chức năng lưu tâm xem xét đưa vào Luật. Và, để quyền lợi khách du lịch được đảm bảo, cần có những quy định riêng cho hai đối tượng khách “in-bound” (khách du lịch quốc tế vào Việt Nam) và “out-bound” (khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài), do đặc thù của hai nhóm khách này là khác nhau. Cũng đồng tình quan điểm, xác định khách hàng là trọng tâm của các hoạt động du lịch, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu đề xuất nên đưa ngay chương II là chương Khách du lịch (thay vì hiện đang có 4 điều trong chương V và 5 điều trong chương X). Ông Siêu cũng đề xuất thêm, khách phải được quyền đòi hỏi, cung cấp thông tin du lịch; được thương thảo, được mua các hợp đồng cung cấp dịch vụ du lịch; được phục vụ theo đúng cam kết hợp đồng; được khiếu nại, được từ chối các dịch vụ; được chủ động hỗ trợ các hoạt động du lịch ở điểm đến, tự do tìm hiểu, giao lưu với cộng đồng… “Đi kèm với đó khách cũng phải có trách nhiệm thực hiện đúng pháp luật, các quy định của điểm đến cũng như phải có trách nhiệm thanh toán phí du lịch, tôn trọng văn hóa địa phương và bảo vệ môi trường, tham gia ý kiến khi được yêu cầu, bồi thường thiệt hại nếu có…” ông Siêu khẳng định./.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết, theo kế hoạch, từ nay đến hết năm 2012 sẽ cơ bản hoàn thành thu thập ý kiến và hội thảo để lên khung về việc sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch.

Tiếp đó, đến năm 2013 sẽ làm các thủ tục để trình ban soạn thảo, trình với Chính phủ để báo cáo với Ủy ban thường vụ Quốc hội và nếu không có gì thay đổi, năm 2014 sẽ chính thức trình Quốc hội xem xét để thông qua Luật Du lịch sửa đổi và bổ sung lần này.
ChiLê (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục