Phát triển quân đội Nga để đáp trả mọi thách thức

Các lực lượng vũ trang Nga sẽ tăng cường hiệu quả chỉ huy, trang bị vũ khí và kỹ thuật hiện đại, cải thiện công tác đào tạo quân nhân.
Tại cuộc họp toàn thể hàng năm của Viện hàn lâm khoa học quân sự Nga diễn ra ở Mátxcơva ngày 26/1, Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Đại tướng Sergey Shoygu đã phát biểu, nêu rõ các ưu tiên phát triển quân đội Nga.

Theo ông, các lực lượng vũ trang Nga sẽ tăng cường hiệu quả chỉ huy, trang bị vũ khí và kỹ thuật quân sự hiện đại, cải thiện công tác đào tạo quân nhân, hoàn thiện việc cung ứng vật chất-kỹ thuật và nâng cao chất lượng giáo dục trong quân đội.

Trong bài phát biểu, ông Shoygu nhấn mạnh vai trò quan trọng của quân đội và khoa học quân sự trong việc phát triển đất nước. Theo ông, các điểm nóng hiện đang nằm ngay sát biên giới nước Nga, vì vậy, nước Nga cần phải sẵn sàng đáp trả mọi thách thức, đe dọa và để làm được điều này, cần có một lực lượng quân đội bảo đảm khả năng chiến đấu.

Ông Shoygu cũng bày tỏ tin tưởng các nhà khoa học của Viện hàn lâm khoa học quân sự sẽ tham gia tích cực trong việc xây dựng cơ sở khoa học cho việc phát triển quân đội Nga.

[Máy bay quân đội Nga khôi phục dấu hiệu Liên Xô]


Cũng trong cuộc họp này, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nga, Thượng tướng Valery Gerasimov tuyên bố quân đội Nga đã sẵn sàng cho các cuộc chiến tranh quy mô lớn.

Ông Gerasimov nhấn mạnh hiện nay, nguy cơ lớn nhất đối với nước Nga là các điểm bất ổn đang nằm quanh biên giới của đất nước. Để duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội, Nga cần có một chiến lược phát triển ngắn hạn, trung hạn và dài hạn đối với quân đội.

Ông Gerasimov cho rằng các nhà khoa học quân sự cần soạn thảo một học thuyết hoàn chỉnh về việc các cuộc xung đột kiểu mới. Theo ông, thời gian gần đây đang diễn ra xu hướng xóa nhòa ranh giới giữa hòa bình và chiến tranh. Người ta không tuyên chiến và những người khởi chiến cũng không đi theo những khuôn mẫu cũ, song các cuộc xung đột kiểu mới có hệ quả tương đương với một cuộc chiến tranh.

Ông Gerasimov nêu ví dụ cái gọi là các cuộc "Cách mạng sắc màu" cho thấy ngay cả một quốc gia tương đối bình yên cũng có thể trở thành nạn nhân của sự can thiệp nước ngoài và chìm vào hỗn loạn.

Ngoài ra, trong các cuộc xung đột hiện nay, các biện pháp phi quân sự như chính trị, kinh tế, nhân đạo ngày càng được sử dụng rộng rãi, và thậm chí, người ta còn lợi dụng các lực lượng chống đối trong nước, sử dụng các biện pháp quân sự kín đáo vào các cuộc xung đột này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục