Phát động tháng dự phòng lây HIV từ mẹ sang con

Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, có chủ đề  "Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2015."
Với chủ đề "Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2015", ngày 2/6, Bộ Y tế phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa tổ chức lễ phát động Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2012.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ mang thai của cả nước là 0,25%; tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con trung bình từ 30-40%; mỗi năm cả nước có khoảng 2.000 trẻ em sinh ra bị nhiễm HIV. Nhận thức được những nguy cơ và tác hại của HIV/AIDS, những lợi ích và tính nhân văn của việc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, Đảng và Nhà nước ta đã sớm quan tâm đến công tác phòng chống HIV/AIDS cũng như công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp phụ nữ mang thai không tiếp cận được các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Nguyên nhân chủ yếu do bản thân người phụ nữ thiếu thông tin, thiếu kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS nói chung và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nói riêng nên không chủ động tìm kiếm dịch vụ. Các dịch vụ dự phòng lây truyền từ mẹ sang con chưa được cung cấp một cách rộng rãi.

Sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS cũng là rào cản làm cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV khó tiếp cận các dịch vụ. Một số không nhỏ phụ nữ mang thai nhiễm HIV chỉ phát hiện ra nhiễm HIV ở giai đoạn muộn trong quá trình mang thai hoặc trong khi chuyển dạ, dẫn đến khó khăn trong việc tư vấn xét nghiệm tự nguyện, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Theo khuyến cáo, nếu phụ nữ mang thai nhiễm HIV được chăm sóc và điều trị kịp thời thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang giảm xuống dưới 5% hoặc thấp hơn nữa, tiến tới có thể loại trừ hoàn toàn việc trẻ em bị nhiễm HIV do mẹ truyền sang con.

Trong tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, các địa phương sẽ tập trung vào hoạt động truyền thông, cung cấp dịch vụ chăm sóc, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; phấn đấu ít nhất có 80% số phụ nữ từ 15-49 tuổi được tiếp cận với các thông tin về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; tăng tỷ lệ phụ nữ mang thai được tư vấn, làm xét nghiệm HIV và quay lại nhận kết quả xét nghiệm trong thời kỳ mang thai lên 30%; tăng số phụ nữ mang thai được điều trị dự phòng sớm (từ tuần thứ 14) lên 30%; tăng gấp đôi số trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng và được cung cấp sữa thay thế so với bình quân chung hàng tháng...

Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2012 được triển khai trong cả nước nhằm huy động sự tham gia của toàn xã hội vào các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đây là dịp để tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và cũng như phụ nữ mang thai, tạo cơ hội cho phụ nữ mang thai tiếp cận sớm các dịch vụ phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con... từ đó góp phần thực hiện thành công mục tiêu "Loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2015" của Liên hợp quốc mà Việt Nam đã cam kết thực hiện./.

Nguyễn Mai Hương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục