Tình trạng buôn lậu diễn biến phức tạp, giá trị lớn

Theo Tổng cục Hải quan, tháng 5 vừa qua, số vụ buôn lậu giảm khá nhiều, chỉ còn 1.538 vụ, nhưng trị giá ước tính tới gần 31,2 tỷ đồng.
Theo Tổng cục Hải quan, những tháng đầu năm nay, tình trạng buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp; đáng chú ý, số vụ buôn lậu của tháng trước so với tháng sau tuy có giảm nhưng trị giá hàng hóa bị bắt giữ lại tăng nhiều lần.

Cụ thể, nếu trong tháng Tư năm nay số vụ vi phạm lên tới 2.256 vụ với trị giá ước tính 12,34 tỷ đồng, sang tháng Năm vừa qua số vụ giảm khá nhiều, chỉ còn 1.538 vụ, nhưng trị giá ước tính lại lên tới gần 31,2 tỷ đồng.

Đánh giá chung từ các cục Hải quan địa phương cho thấy, phương thức buôn lậu ngày càng tinh vi và kín đáo hơn. Các đối tượng buôn lậu liên tục lợi dụng sơ hở trong chính sách quản lý loại hình tạm nhập, tái xuất để vi phạm quy trình thủ tục hải quan. Hàng hóa vận chuyển trái phép được ngụy trang dưới hình thức các lô hàng tạm nhập, tái xuất để thẩm lậu vào nội địa, gây ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý, điều hành giá cả thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, các đối tượng buôn lậu còn thường xuyên lợi dụng hình thức ưu đãi miễn kiểm tra thực tế hàng hóa, khai báo sai về số lượng, tên hàng, nhằm gian lận thuế.

Gần đây, Cục Điều tra Chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan phối hợp cùng một số cơ quan chức năng tổ chức mật phục, phát hiện, bắt giữ thành công một vụ với ba đối tượng có hành vi vận chuyển trái phép 30 bánh heroin (khoảng trên 10kg) từ Lào về Việt Nam tiêu thụ. Toàn bộ tang vật và đối tượng đã được bàn giao cho C47 của Bộ Công an để điều tra mở rộng và xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước thực tế này, để tăng cường các hoạt động phòng, chống buôn lậu qua biên giới từ nay đến cuối năm, ngành Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị liên quan, các Cục Hải quan địa phương đẩy mạnh công tác thu thập, xử lý thông tin nghiệp vụ, từng bước xây dựng hệ thống thông tin về khách hàng, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, hệ thống thông tin trao đổi với các bộ, ngành để có biện pháp chống buôn lậu phù hợp; đồng thời thường xuyên tổ chức lực lượng nắm diễn biến tình hình các địa bàn.

Trên cơ sở các vụ việc bắt giữ đã được xử lý và tổng hợp các nguồn thông tin cần kịp thời cảnh báo các Cục Hải quan tỉnh, thành phố về phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm để các đơn vị chủ động xây dựng kết hoạch kiểm soát.

Đặc biệt, các đơn vị cần lưu ý đấu tranh với những hành vi gian lận trong khai báo Hải quan (khai báo sai về số lượng, mã hàng, xuất xứ...); lợi dụng miễn kiểm tra thực tế hàng hóa (phân luồng xanh); làm giả và sử dụng hồ sơ, chứng từ Hải quan giả.../.

Hải Yến (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục