Gỡ khó cho xuất khẩu nông sản

Xuất khẩu nông sản trong tháng 1 vừa qua sụt giảm khá mạnh và dự báo thời gian tới sẽ còn nhiều khó khăn. Bởi vậy, các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản lúc này cần phải trúng, hiệu quả phải nhanh như uống thuốc tây, chứ chậm như uống thuốc bắc thì khó khăn càng tăng, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên đề xuất.

Xuất khẩu nông sản trong tháng 1 vừa qua sụt giảm khá mạnh và dự báo thời gian tới sẽ còn nhiều khó khăn. Bởi vậy, các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản lúc này cần phải trúng, hiệu quả phải nhanh như uống thuốc tây, chứ chậm như uống thuốc bắc thì khó khăn càng tăng, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên đề xuất.

Đột phá trong khâu tìm chợ

Ngoài cố giữ chân các thị trường hiện có, thì việc mở được cánh cửa các thị trường phi truyền thống được coi là lối thoát cho tiêu thụ nông sản trong bối cảnh hiện nay. Khó hy vọng các thị trường mới nhập khẩu với số lượng lớn, nhưng nếu "năng nhặt" các thị trường này sẽ giúp xuất khẩu nông sản giảm bớt thua thiệt.

Tại cuộc họp tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức ngày 10/2, nhiều chuyên gia đề nghị cần có bước đột phá trong tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại. Nếu vẫn làm theo cách truyền thống, thì vừa tốn kém, vừa khó mang lại hiệu quả.

Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hữu Dũng đề xuất: “Việc xúc tiến thương mại cần chuyển trọng tâm sang các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng thay vì cơ quan quản lý làm chủ yếu như hiện nay. Để đảm bảo hiệu quả cao, cộng đồng doanh nghiệp cần phối hợp với nhau trong tổ chức các chuyên đề tìm kiếm thị trường”.

Còn Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Nguyễn Tôn Quyền thì kiến nghị: “Để tận dụng các lợi thế của xuất khẩu nông sản trong bối cảnh khó khăn hiện nay cần tăng kinh phí cho mở rộng thị trường, nhất là thị trường mới."

Phần nào giải đáp các kiến nghị trên, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho biết, tổng kinh phí xúc tiến thương mại năm 2009 tăng lên 90 tỷ đồng. Bộ Công thương đang phối hợp với các bộ, ngành triển khai nhiều biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó đặc biệt coi trọng khai phá các thị trường mới. Việc xúc tiến thương mại năm nay có nét mới là gắn chặt với ký kết các đơn hàng xuất khẩu, chứ không “cưỡi ngựa xem hoa”. Để phù hợp với cam kết WTO, cũng như mang lại hiệu quả thiết thực việc này đang được tính toán kỹ.

Theo đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ngoài cố gắng duy trì các thị trường lớn truyền thống, cần chú trọng khai phá các thị trường tại các nước ít bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới hơn như: Trung Đông, Bắc Phi, Nam Mỹ, việc phát triển thị trường mới nên gắn với tính toán xây dựng các kho ngoại quan, để tạo thuận lợi cho xuất khẩu nông sản.
 
 Hạ giá, nâng chất lượng

Nếu giá cả nông sản không giảm, chất lượng không tăng, thì việc mở rộng thị trường sẽ khó thành công. Trong khi đó những đòi hỏi này của thị trường không phải là khó đáp ứng. Nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản có thể giảm giá thêm do giá vật tư đầu vào giảm khá mạnh.

Theo Tổng thư ký VASEP Nguyễn Hữu Dũng, một số mặt hàng thủy sản xuất khẩu có thể giảm giá nữa nếu giá thức ăn chăn nuôi giảm tương ứng với giá thế giới. Thế nhưng, các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước viện cớ nhập nguyên liệu lúc đắt nên chưa thể giảm. “Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nên sớm kiến nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến thủy sản nhập nguyên liệu thức ăn chăn nuôi về gia công. Làm được điều này vừa tạo sức ép buộc các doanh nghiệp giảm giá thức ăn chăn nuôi, vừa giúp doanh nghiệp chế biến thủy sản giảm giá thành, qua đó giảm giá thủy sản xuất khẩu", ông Dũng kiến nghị.

Bên cạnh đó, theo ông Dũng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng nên kiến nghị Chính phủ có cơ chế hỗ trợ phù hợp với cam kết WTO để giúp giảm giá nông sản, nâng cao chất lượng bằng việc hỗ trợ đầu tư hệ thống phơi sấy, kho trữ, kiểm dịch... /.
 
 (Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục