Nhà văn Sơn Tùng nhận danh hiệu Anh hùng lao động

Ngày 22/7, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thay mặt Đảng, Nhà nước trao danh hiệu Anh hùng Lao động cho nhà văn Sơn Tùng.
Ngày 22/7, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam ở Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã thay mặt Đảng, Nhà nước trao danh hiệu Anh hùng Lao động cho nhà văn Sơn Tùng.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định danh hiệu Anh hùng Lao động là phần thưởng cao quý thể hiện sự đánh giá, ghi nhận của Đảng và nhân dân đối với công lao hoạt động cách mạng và sáng tạo văn học của nhà văn Sơn Tùng.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trường kỳ của dân tộc, dù bị thương nặng nhưng nhà văn Sơn Tùng với nghị lực phi thường, đã vượt qua khó khăn, luôn bám sát chiến trường, gắn bó với đồng bào, đồng chí để cho ra đời những tác phẩm giàu giá trị.

Tên tuổi và sự nghiệp của nhà văn Sơn Tùng luôn tỏa sáng, với 25 tác phẩm hàng nghìn trang đóng góp cho văn học nước nhà, trong đó có tới 14 tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những tác phẩm của ông chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc, được đông đảo bạn đọc hoan nghênh. Đặc biệt, tác phẩm "Búp sen xanh" được tái bản đến 20 lần đã nói lên thành công vang dội của Sơn Tùng đối với công chúng yêu văn học.

[Sẽ xây dựng phim ngắn về tác giả "Búp sen xanh"]

Không chỉ viết, nghiên cứu và nói chuyện về Bác Hồ, nhà văn Sơn Tùng còn luôn làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh, sống cần, kiệm, liêm, chính, chí, công, vô tư, đấu tranh không khoan nhượng với các thói hư, tật xấu, bảo vệ lợi ích của đất nước, nhân dân.

Chủ tịch nước mong muốn thế hệ các nhà văn Việt Nam tiếp tục noi gương nhà văn Sơn Tùng, dùng ngòi bút của mình đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, đói nghèo, tiếp tục giữ vững thành quả cách mạng của dân tộc, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đại diện Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh cũng chia sẻ danh hiệu Anh hùng Lao động dành cho nhà văn Sơn Tùng là vinh dự, là niềm vui lớn của Hội Nhà văn Việt Nam, mái nhà chung của những người lao động văn học cả nước. Cuộc đời và sự nghiệp của Sơn Tùng là một cuộc đời trọn vẹn và mẫu mực. "Chúng ta đọc và học ở nhà văn Sơn Tùng nhiều bài học quý báu về nhà văn và nghề văn, nhà thơ Hữu Thỉnh nói.

Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng hy vọng, sau nhà văn Sơn Tùng, còn nhiều nhà văn khác xứng đáng được Đảng và Nhà nước tôn vinh, đó là Trần Đăng, Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Dương Thị Xuân Quý...

Nhà văn Sơn Tùng, tên khai sinh là Bùi Sơn Tùng, sinh ngày 8/8/1928, trong một gia đình có nền nếp nho học và yêu nước tại làng Hoa Lũy, xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Trong sự nghiệp văn học của ông, những tác phẩm viết về Bác chiếm một vị trí quan trọng nhất.

Ông là một trong số các nhà văn viết về Bác nhiều nhất, công phu nhất và thành công nhất. Với 14 tác phẩm đủ các thể loại, bạn đọc bắt gặp hình tượng Hồ Chí Minh bình thường mà cũng rất vĩ đại, vô cùng thân thiết và thanh cao./.

Việt Hà (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục