Chính sách với thương binh, liệt sỹ còn sống trở về

Hiện có gần 20.000 trường hợp bị thương, trên 300 trường hợp được công nhận liệt sỹ, còn sống trở về, chưa được giải quyết chính sách, trong đó, chủ yếu là quân nhân, thanh niên xung phong, dân quân, du kích tập trung… Thời gian tới, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng không còn giấy tờ gốc và triển khai thực hiện trong toàn quốc
Ngày 5/8, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tổ chức hội nghị thống nhất việc giải quyết chính sách thương binh diện tồn đọng sau các cuộc chiến tranh, các trường hợp được công nhận liệt sỹ nay còn sống trở về gia đình và đề xuất phương hướng giải quyết trong thời gian tới.

Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và đồng chí Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đồng chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo, trên cả nước hiện nay còn khoảng gần 20.000 trường hợp bị thương không còn lưu giữ được đầy đủ giấy tờ gốc theo quy định, chưa được giải quyết chính sách. Trong đó, chủ yếu là quân nhân, thanh niên xung phong, dân quân, du kích tập trung…

Theo tổng hợp ban đầu thì số lượng thuộc diện quân đội quản lý là hơn 8.000 trường hợp; cựu thanh niên xung phong chưa được giải quyết là hơn 8.000 trường hợp.

Các trường hợp đã được công nhận liệt sỹ, nay còn sống trở về, theo báo cáo thống kê của các đơn vị, hiện nay trong toàn quốc có 317 trường hợp chủ yếu là thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, được báo tử theo diện “mất tin, mất tích”, nhưng thực chất chủ yếu là do thất lạc đơn vị, mất trí nhớ, tâm thần.

[Thủ tướng gửi lời thăm hỏi "liệt sỹ trở về sau 40 năm"] 

Trong số được công nhận liệt sỹ, nay còn sống trở về, một số ít trường hợp đã được địa phương quan tâm chăm lo ổn định đời sống ban đầu, giải quyết chính sách theo quy định. Tuy nhiên, đại đa số chưa được giải quyết chế độ, ốm đau, bệnh tật, đời sống khó khăn.

Các ý kiến phát biểu tại hội nghị nhấn mạnh, cần phải huy động toàn bộ hệ thống chính trị ở cơ sở vào cuộc, đề cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, người chủ trì ở các cấp (đặc biệt là Hội Cựu chiến binh ở cấp xã) trong việc thẩm định, xác nhận, lập hồ sơ và tổ chức giám định y khoa; tổ chức phổ biến các văn bản có liên quan trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông báo rộng rãi các trường hợp được công nhận để đồng đội và người dân được biết…; tổ chức niêm yết hồ sơ trước khi xét từng đối tượng.

Trong thời gian niêm yết hồ sơ tại cấp xã, nếu có ý kiến thắc mắc hoặc tố cáo của nhân dân thì phải tổ chức xác minh, kết luận, làm rõ tại cơ sở. Phạm vi áp dụng là các đối tượng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu từ năm 1991 trở về trước…

Trên cơ sở những nội dung đã thống nhất tại hội nghị, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng không còn giấy tờ gốc và triển khai thực hiện trong toàn quốc./.

Ông Quốc Chính (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục