Cả nước có khoảng 17.000 hợp tác xã hoạt động

Hiện khu vực hợp tác xã có khoảng 17.000 hợp tác xã hoạt động, thu hút khoảng gần 10 triệu xã viên, tạo ra trên 300.000 việc làm.
Sáng 11/4, tại Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm lần thứ nhất Ngày hợp tác xã Việt Nam" (11/4) và biểu dương các đơn vị điển hình tiên tiến, trao tặng Cúp vàng "Hợp tác vì cộng đồng thịnh vượng" cho 100 hợp tác xã và đơn vị thành viên xuất sắc, tiêu biểu toàn quốc.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải khẳng định trong quá trình đổi mới và phát triển, các hợp tác xã đã tạo mối liên kết, hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau giữa các hộ xã viên, góp phần tạo ra giá trị gia tăng đóng góp vào GDP và giúp chuyên môn hóa, phân công lao động xã hội cũng như chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đặc biệt là nông nghiệp và nông thôn... khu vực hợp tác xã.

Để khẳng định vai trò và vị trí quan trọng của khu vực kinh tế hợp tác và hợp tác xã trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, Phó Thủ tướng đề nghị Liên minh hợp tác xã các cấp và các hợp tác xã cần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX), Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (khóa X) về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn gắn với việc thực hiện phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động như "Đoàn kết, năng động, sáng tạo, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2015" và phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới."

Cùng đó, các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã theo chiều sâu để nâng cao hiệu quả các hợp tác xã theo đúng bản chất, giá trị và nguyên tắc hợp tác xã.

Cũng theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Liên minh hợp tác xã các cấp nên tích cực làm tốt công tác tuyên truyền quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật Nhà nước về kinh tế hợp tác, hợp tác xã; tập trung củng cố các hợp tác xã hiện có và tích cực vận động hướng dẫn thành lập các tổ hợp tác, các hợp tác xã mới, đồng thời vận động các hợp tác xã tự chủ đổi mới, nâng cao vai trò làm chủ của xã viên, thu hút, kết nạp thêm xã viên.

Mặt khác, hợp tác xã thực hiện tốt hơn cam kết kinh tế giữa hợp tác xã và xã viên theo hướng hợp tác xã cung ứng và xã viên sử dụng dịch vụ của hợp tác xã nhất là tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo được hưởng lợi ích từ tổ chức hợp tác xã. Đặc biệt, hợp tác xã chú ý hơn tới công tác xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến góp phần vào việc hình thành ngày càng nhiều các hợp tác xã, các liên hiệp hợp tác xã làm ăn có hiệu quả, uy tín và sức cạnh tranh cao trên thị trường.

Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua yêu nước, xây dựng Liên minh thành một tổ chức Hội vững mạnh, bảo vệ quyền lợi, hỗ trợ sự phát triển của các hợp tác xã thành viên. Bên cạnh đó, Liên minh tăng cường quan hệ, hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm huy động thêm nhiều nguồn lực đóng góp sức lực, trí tuệ cho sự phát triển kinh tế tập thể.

Ông Đào Xuân Cần, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam cho biết tính bình quân giai đoạn 2000-2010, khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã (tính cả kinh tế hộ gia đình) đóng góp vào GDP của đất nước hàng năm đạt 15-16%.

Hoạt động của các hợp tác xã đã thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, tạo ra mối liên kết, hợp tác giữa các hộ xã viên trong hợp tác xã và giữa xã viên với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ và vừa khác, góp phần gia tăng sản lượng hàng hóa nông, lâm, thủy sản, lương thực.

Các hợp tác xã thông qua tổ chức và hoạt động của mình đã huy động có hiệu quả các nguồn lực của xã hội để mở rộng sản xuất, phát triển ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhất là nông nghiệp nông thôn.

Hiện khu vực hợp tác xã có khoảng 17.000 hợp tác xã hoạt động, thu hút khoảng gần 10 triệu xã viên, tạo ra trên 300.000 việc làm thường xuyên và tác động tới đời sống gần 40 triệu người dân.

Đáng chú ý, các hợp tác xã còn tham gia tích cực vào việc giải quyết các vấn đề xã hội như tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo nhất là người nghèo ở nông thôn và cùng chính quyền địa phương trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa bàn. Đây còn là nơi tuyên truyền, giáo dục ý thức cộng đồng, đề cao các giá trị văn hóa, đạo đức, phát huy tinh thần thương thân, tương ái, đoàn kết hỗ trợ giúp đỡ nhau góp phần xây dựng khối đoàn kết dân tộc, góp phần ổn định chính trị, giữ gìn trật tự, an ninh quốc phòng ngay tại địa bàn cơ sở./.

Uyên Hương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục