Mỹ tiếp tục bênh vực chương trình do thám bí mật

Các quan chức an ninh chóp bu của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra sức bao biện cho các chương trình do thám bí mật.
Trước làn sóng chỉ trích cả ở trong nước và quốc tế, ngày 18/6, các quan chức an ninh chóp bu của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra sức bao biện cho các chương trình do thám bí mật bị cho là vi phạm luật.

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, cùng tham gia cuộc điều trần ngày 18/6 tại Ủy ban Tình báo Hạ viện có Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), Tướng Keith Alexander và Phó Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) Sean Joyce.

Đây là cuộc điều trần thứ hai của các quan chức an ninh hàng đầu Nhà Trắng kể từ khi cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden chạy trốn sang Hong Kong (Trung Quốc) để tiết lộ nhiều chi tiết động trời liên quan tới chương trình do thám bí mật kéo dài nhiều năm qua của NSA trên hàng chục nghìn máy chủ của hệ thống các công ty Internet lớn.

Phát biểu trong cuộc điều trần, Tướng Alexander cho biết các chương trình bí mật, trong đó có việc nghe lén điện thoại và truy cập để thu thập các giao dịch Internet, đã giúp nước Mỹ phát hiện và ngăn chặn được hơn 50 kế hoạch tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ và các mục tiêu của Mỹ trên thế giới kể từ sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001.

Với lý do các chương trình do thám tuyệt mật này đã trở thành công cụ an ninh sống còn trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu của Mỹ, Tướng Alexander đã chỉ trích việc Snowden tiết lộ các thông tin bí mật mà ông cho là gây tổn hại không nhỏ tới an ninh quốc gia.

Sau khi xác định các chương trình do thám bí mật này là hợp pháp và được giám sát chặt chẽ để bảo vệ người dân Mỹ, Tướng Alexander cam kết trong vòng 24 tiếng sau cuộc điều trần, sẽ cung cấp cho các nghị sỹ những chi tiết mật liên quan tới hơn 50 kế hoạch tấn công khủng bố đã bị ngăn chặn.

Trong khi đó, Phó Giám đốc FBI Joyce đã cung cấp thông tin về hai âm mưu tấn công khủng bố bị tình báo Mỹ phát hiện và ngăn chặn, gồm kế hoạch đánh bom Sở giao dịch chứng khoán New York Stock Exchange năm 2009 và vụ bắt giữ một người Mỹ gốc Pakistan có âm mưu đánh bom hệ thống tàu điện ngầm ở thành phố New York cùng năm.

Sau khi nghe điều trần, một số nghị sỹ Mỹ - trong đó có Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, nghị sỹ đảng Cộng hòa Mike Rogers và Hạ nghị sỹ đảng Dân chủ Dutch Ruppersberger - cũng ngả theo hướng bảo vệ các chương trình do thám bí mật của NSA.

Hạ nghị sỹ Ruppersberger chỉ trích việc tiết lộ các thông tin liên quan tới chương trình do thám, cho rằng hành động này đang đặt nước Mỹ và các đồng minh vào tình trạng nguy hiểm. Tuy nhiên, một số nghị sỹ bảo thủ như Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Rand Paul lại kêu gọi người dân Mỹ ký tên kiện chính phủ về các chương trình vi phạm quyền công dân này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục