Libya: Quốc hội bác bỏ danh sách nội các đề cử

Quốc hội Libya ngày 4/10 đã bác bỏ danh sách nội các đề cử mà tân Thủ tướng Mustafa Abushagur đệ trình một ngày trước đó.
Quốc hội Libya ngày 4/10 đã bác bỏ danh sách nội các đề cử mà tân Thủ tướng Mustafa Abushagur đệ trình một ngày trước đó.

Tân Hoa xã dẫn các nguồn tin Quốc hội Libya cho biết trong một cuộc điện đàm tối cùng ngày với Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Abushagur nói rằng ông muốn quốc hội bác bỏ danh sách nội các đề cử để có những điều chỉnh, sửa đổi. Sau đó, quốc hội đã không thông qua danh sách trên và cho phép Thủ tướng Abusagua đến ngày 7/10 trình danh sách nội các đề cử mới.

Trong khi đó, hãng tin Pháp AFP dẫn lời nghị sĩ Libya Abdelali al-Dersi cho biết quốc hội đã bỏ phiếu phản đối danh sách nội các đề cử. Nghị sĩ này nhận xét danh sách đó không đại diện được cho tất cả các lĩnh vực, vùng miền của xã hội Libya, đồng thời cho rằng các nhân vật được đề cử "dựa trên cảm tính."

Tuy nhiên, trong một thông điệp trên truyền hình ngay sau khi quốc hội bỏ phiếu, Thủ tướng Abushagur nói ông đã lựa chọn những cá nhân "trình độ cao" để đưa vào nội các và chờ đợi quốc hội thảo luận cụ thể từng trường hợp để có những thay thế tốt hơn trong danh sách lần tới.

Trước khi bị Quốc hội bác bỏ, bản danh sách nội các mà Thủ tướng Abushagur đệ trình ngày 3/10 đã vấp phải sự phản đối của dư luận. Khoảng 100-150 người biểu tình đã xông vào phòng họp chính của trụ sở Quốc hội ở thủ đô Tripoli để yêu cầu hủy phiên họp xem xét danh sách đề cử. Những người biểu tình cho rằng thành phần nội các mới không mang tính đại diện đầy đủ cho đất nước Bắc Phi này.

Ngày 4/10 cũng ghi nhận nhiều xung đột ở các thành phố miền Tây, trong đó có Zawiyah. Một số nhóm đã bao vây các trụ sở chính quyền tại đây để phản đối danh sách nội các đề cử, cho rằng danh sách này "không phản ánh được ý nguyện của người dân."

Theo danh sách vừa bị bác bỏ, nội các mới gồm 27 thành viên. Thủ tướng có ba cấp phó, trong khi vị trí Ngoại trưởng vẫn bỏ trống và ông Abushagur sẽ tạm thời điều hành Bộ Ngoại giao cho đến khi chọn được người để bổ nhiệm. Một số ghế được giữ lại từ nội các cũ, vốn đã bị chỉ trích rộng rãi vì không có quan điểm cứng rắn trong việc tái lập an ninh cũng như chống tham nhũng.

Cuối tháng 9 vừa qua, Quốc hội Libya đã cảnh báo sẽ loại bỏ Thủ tướng Abushagur và bầu Thủ tướng mới nếu ông này không thành lập được chính phủ trước ngày 8/10. Ông Abushagur được Quốc hội bầu làm Thủ tướng trong một cuộc bỏ phiếu ngày 12/9 vừa qua, có nhiệm vụ trình danh sách nội các của mình lên Quốc hội trước ngày 28/9 song sau đó đề nghị kéo dài thời hạn thêm 10 ngày. Ông hy vọng thành lập được một chính phủ liên minh dân tộc, đảm bảo sự cân bằng về địa lý, và cho biết cải thiện an ninh là một trong những ưu tiên của chính phủ sau vụ Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Benghazi bị tấn công làm Đại sứ và ba nhân viên ngoại giao Mỹ thiệt mạng.

Trong một động thái liên quan đến vụ việc trên, ngày 4/10, một nhóm điều tra viên do Chính phủ Mỹ cử tới Libya đã đến Benghazi để xem xét hiện trường vụ tấn công. Theo một quan chức giấu tên của Bộ Quốc phòng Libya, nhóm điều tra đã tiến hành thu thập các chứng cứ trong vài giờ đồng hồ trước khi rời đi. Tại Washington, một phát ngôn viên Lầu Năm Góc cũng xác nhận quân đội Mỹ hỗ trợ việc đi lại của các điều tra viên này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục