ADB, FAO và IFAD hỗ trợ châu Á thoát đói nghèo

Ngày 24/9, ADB, FAO và IFAD ký Khuôn khổ đối tác an ninh lương thực châu Á-Thái Bình Dương nhằm giúp khu vực này thoát đói nghèo.
Ngày 24/9 tại New York, Mỹ, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) và Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) đã ký Khuôn khổ đối tác an ninh lương thực khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhằm phối hợp các nguồn lực hỗ trợ các nước khu vực này giải quyết nạn đói và tăng cường an ninh lương thực.

Các đại diện của Liên hợp quốc nhấn mạnh, mặc dù châu Á-Thái Bình Dương đạt được những thành tựu ấn tượng trong tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ nhưng khu vực này vẫn tụt hậu so với các khu vực khác về an ninh lương thực và nạn đói.

Số người bị đói trong khu vực lên tới 578 triệu người, chiếm 2/3 tổng số người bị đói trên toàn cầu.

Chủ tịch ADB, Haruhiko Kuroda cho rằng châu Á-Thái Bình Dương cần nhanh chóng thoát khỏi tình trạng nạn đói đang lan rộng và cần những quan hệ đối tác mới, những thỏa thuận hợp tác và mạng lưới cung cấp lương thực cho tất cả mọi người.

Tổng Giám đốc FAO, Jacques Diouf cũng nhấn mạnh, để đảm bảo an ninh lương thực cần hành động một cách tập thể theo cách thức mạnh mẽ.

Theo ông, châu Á-Thái Bình Dương cần vượt qua những thách thức để cung cấp đủ lương thực cho số dân 5 tỷ người vào năm 2050. Tổng đầu tư hàng năm vào khu vực nông nghiệp của khu vực cũng cần tới 120 tỷ USD cho các chương trình hỗ trợ người nghèo.

Chủ tịch IFAD, Kanayo F. Nwanze, cho rằng cuộc khủng hoảng giá lương thực đã đưa nông nghiệp trở lại vị trí hàng đầu trong chương trình phát triển quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Để tăng năng suất nông nghiệp, tăng cường an ninh lương thực, và tạo ra các nền kinh tế nông thôn năng động, cần có đột phá trong đầu tư nông nghiệp.

Các tổ chức nông nghiệp và tài chính khu vực và quốc tế cần phối hợp các nguồn lực để cùng hành động tập thể hỗ trợ các nước châu Á-Thái Bình Dương phát triển nông nghiệp và cải thiện cuộc sống của người nghèo và đói.

Tuy nhiên, ADB, FAO và IFAD đều cảnh báo ở châu Á-Thái Bình Dương số người bị đói vẫn đang tăng lên và hàng tỷ người vẫn có nguy cơ rơi vào tình trạng thiếu lương thực. Điều này cho thấy dây chuyền cung cấp lương thực trong khu vực này có nhiều vấn đề về cơ cấu.

Quan hệ đối tác mới giữa ADB, FAO và IFAD sẽ thúc đẩy các cơ chế tài chính đổi mới để thu hút đầu tư tư nhân vào nông nghiệp cũng như phát triển các mô hình kinh doanh nông nghiệp toàn diện đem lại lợi ích cho cả nhà đầu tư và nông dân.

Khuôn khổ đối tác an ninh lương thực sẽ thúc đẩy bốn trụ cột khuyến khích các nỗ lực tập thể.

Bốn trụ cột bao gồm hài hoà đầu tư khu vực và xuyên biên giới; thúc đẩy hợp tác mạnh hơn trong nghiên cứu nông nghiệp; hỗ trợ tăng cường buôn bán lương thực trong và liên khu vực, chia sẻ các bài học và các thực tiễn tốt về chính sách và thể chế để cải thiện an ninh lương thực tới các hộ gia đình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục