Kết nối những nhà nghiên cứu về xứ sở hoa anh đào

Viện Khoa học Xã hội dự kiến lập Trung tâm giao lưu nghiên cứu-hợp tác Việt Nam-Nhật Bản, kết nối các học giả nghiên cứu về Nhật Bản.
Viện Khoa học Xã hội Việt Nam có ý tưởng thành lập Trung tâm giao lưu nghiên cứu và hợp tác Việt Nam-Nhật Bản" để kết nối các nhà khoa học yêu thích nghiên cứu Nhật Bản và mở rộng quan hệ giao lưu nghiên cứu trong và ngoài nước.

Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo "Nghiên cứu Nhật Bản ở Đông Nam Á: Quá khứ, hiện tại, tương lai", diễn ra ngày 22/10 tại Hà Nội với sự tham gia của các nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu của nhiều nước trên thế giới.

Ở Việt Nam, nghiên cứu về Nhật Bản được tiến hành khá muộn. Giáo sư Lê Văn Sang thuộc Viện Kinh tế Thế giới là người mở đầu cho việc nghiên cứu này. Ông đã khai thác được nhiều tài liệu nghiên cứu kinh tế Nhật Bản một cách hệ thống và tạo dựng nền tảng để đi sâu vào lĩnh vực này.

Vào những năm 80 của thế kỷ trước, Việt Nam mới bắt đầu có xu hướng đi sâu tìm hiểu nghiên cứu Nhật Bản một cách toàn diện với việc hợp tác nghiên cứu như điều tra tìm hiểu xã hội nông thôn Việt Nam, Nhật Bản hay cùng với các nhà khoa học Nhật Bản khai quật di chỉ khảo cổ...

Năm 1993, lần đầu tiên Việt Nam có Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản, nay là một bộ phận quan trọng của Viện nghiên cứu Đông Bắc Á trực thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.

Tiến sĩ Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, nghiên cứu Nhật Bản hiện nay không còn bó hẹp trong những chủ đề truyền thống trong kinh tế, văn hóa mà phải mở rộng ra các lĩnh vực mới về phát triển xã hội, con người, môi trường sinh thái cũng như những tiến bộ mới trong khoa học kỹ thuật, thậm chí cả những vấn đề Nhật Bản phải trả giá trong tiến trình phát triển.

Theo các học giả, muốn nghiên cứu sâu về Nhật Bản, Việt Nam phải cần phải có những chuyên gia Nhật Bản học thực sự.

Hiện nay, chủ đề nghiên cứu về Nhật Bản đã thay đổi từ văn hóa truyền thống sang các vấn đề chính trị đương đại, kinh tế. Các nhà nghiên cứu nước ngoài muốn tham khảo thực tiễn tốt nhất từ Nhật Bản và rút ra bài học từ đất nước này.

Giáo sư Inoki Takenori, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế Nhật Bản, Kyoto cho biết, trước đây có nhiều nhà nghiên cứu ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ nghiên cứu về Nhật Bản, nay có thêm nhiều nhà khoa học từ châu Phi.

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu về Nhật Bản tại các nước Đông Nam Á có cơ hội để công bố thành quả nghiên cứu học thuật, chia sẻ thông tin, đồng thời mở rộng mạng lưới các nhà nghiên cứu về xứ sở hoa anh đào.

Hội thảo được chia làm nhiều phiên, tập trung vào các chủ đề như quan hệ quốc tế, kinh tế, xã hội học, văn hóa nhân chủng học, văn học, giáo dục tiếng Nhật...

Hội thảo do Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Hiệp hội nghiên cứu Nhật Bản khu vực Đông Nam Á, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam phối hợp tổ chức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục