Nga phóng vệ tinh khoa học châu Âu lên quỹ đạo

Vệ tinh khoa học CryoSat-2 sẽ theo dõi và đo chính xác độ dày và chiều dài lớp băng bao phủ ở Bắc cực, đảo Greenland, Iceland.
Chiều 8/4, Nga đã phóng thành công tên lửa đẩy Dnepr từ sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan, đưa vệ tinh khoa học CryoSat-2 của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) lên quỹ đạo.

Vệ tinh CryoSat-2, do công ty Astrium của Pháp chế tạo, là phiên bản của vệ tinh CryoSat-1 (vệ tinh bị cháy trong vụ phóng không thành công cuối năm 2005).

Đây là vệ tinh thứ ba được ESA phóng lên quỹ đạo trong chương trình "Hành tinh sống," nhằm nghiên cứu mối quan hệ giữa các lớp băng vùng cực và tình trạng biến đổi khí hậu bằng cách quan sát sự thay đổi của các lớp băng.

Vệ tinh sẽ theo dõi và đo chính xác độ dày và chiều dài lớp băng bao phủ ở Bắc cực, đảo Greenland, Iceland, các đại dương gần địa cực cũng như các núi băng.

Vệ tinh này có thời gian sử dụng ba năm, hoạt động ở quỹ đạo cao 720km.

Tên lửa đẩy Dnepr là tên lửa ba tầng, có thể đưa các thiết bị nặng tới 3,7 tấn lên quỹ đạo có độ cao từ 300-900km.

Kể cả vụ phóng vệ tinh CryoSat-2, tới nay Nga đã 14 lần phóng thành công tên lửa Dnepr, đưa lên quỹ đạo 51 vệ tinh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục