Khởi động dự án hỗ trợ giảm nghèo đa chiều ở đô thị

Dự án Hỗ trợ giảm nghèo đa chiều ở đô thị do UNDP tại VN tài trợ, chính thức khởi động ngày 11/1, ở TP.HCM, với vốn 2,2 triệu USD.
Dự án “Hỗ trợ giảm nghèo đa chiều tại khu vực đô thị” do Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam tài trợ đã chính thức được khởi động ngày 11/1, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo ông Bakhodir Burkhanov, Phó Giám đốc UNDP Việt Nam, dự án có tổng số tiền là 2,2 triệu USD; trong đó vốn ODA không hoàn lại là 2 triệu USD, được thực hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 8/2012 đến 12/2016.

Ủy ban Nhân dân Thành phốHồ Chí Minh là cơ quan chủ quản của dự án. Dự án nhằm hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị khác trong việc giám sát, đánh giá nghèo đa chiều, xây dựng năng lực của các thành phố trong việc phát triển và thực hiện các chính sách đổi mới nhằm giảm nghèo đô thị và tình trạng bị tổn thương, đặc biệt trong các nhóm người di cư hoặc người lao động ở khu vực phi chính thức.

Ngoài việc đánh giá chuẩn nghèo theo chiều thu nhập như hiện nay, dự án sẽ nghiên cứu cung cấp phương pháp luận để đánh giá các chiều nghèo trên khía cạnh như vấn đề an sinh xã hội, tiếp cận các dịch vụ cơ bản như giáo dục, y tế, diện tích nhà ở, tham gia các hoạt động xã hội…

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Hứa Ngọc Thuận cho biết thành phố đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong giảm nghèo, mức chuẩn nghèo hiện nay được nâng lên 12 triệu đồng/người/năm, cao gấp đôi chuẩn nghèo quốc gia. Tuy nhiên, nguy cơ tái nghèo vẫn luôn tiềm ẩn, chuẩn nghèo thành phố chưa xét đến toàn diện mức sống của hộ gia đình.

Dự án “Hỗ trợ giảm nghèo đa chiều tại khu vực đô thị” tiếp nối dự án “Đánh giá sâu về tình trạng nghèo đói đô thị ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh,” được triển khai trong giai đoạn 2008-2011. Điều đó cũng có nghĩa, giai đoạn 2014-2020, chương trình giảm nghèo tăng hộ khá của thành phố sẽ được xây dựng toàn diện hơn, và đảm bảo sự tiếp cận các dịch vụ cơ bản bình đẳng giữa các nhóm dân cư.

Thành phố cũng sẽ hoàn thiện hệ thống giám sát nghèo và xác định đối tượng nghèo nhằm cung cấp thông tin đa chiều và toàn diện về mức sống của các nhóm dân cư. Kinh nghiệm áp dụng giảm nghèo đa chiều của thành phố sẽ được công bố, nhân rộng ra các địa phương khác cùng thực hiện.

Việt Nam mới trở thành nước có thu nhập trung bình vào năm 2010; trong khi đó, quá trình đô thị hóa lại diễn ra rất nhanh, đặc biệt ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, làm nảy sinh những vấn đề mới như sự gia tăng bộ phận người nghèo với điều kiện sinh hoạt và an ninh kém, thiếu tiếp cận các dịch vụ cơ bản như y tế, văn hóa, giáo dục./.

Trần Xuân Tình (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục