ASEAN đẩy mạnh chống tội phạm xuyên quốc gia

Bộ trưởng an ninh các nước ASEAN đã ra tuyên bố chung khẳng định tăng cường hợp tác nội khối chống tội phạm xuyên quốc gia.
Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, ngày 11/10, Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia lần thứ 8 (AMMTC-8) tại Bali của Indonesia đã ra Tuyên bố chung khẳng định tăng cường hợp tác nội khối trong cuộc chiến chống tội phạm xuyên quốc gia.

Các đại biểu đã nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan chức năng của mỗi nước ASEAN trong công tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, tăng cường hợp tác khu vực; trao đổi, thống nhất ý kiến về hàng loạt vấn đề cũng như những thành tựu mà các cơ quan chức năng về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia các nước ASEAN tạo dựng thời gian qua; khẳng định điều đó phù hợp với các kết của các nước ASEAN trong việc có những bước đi cần thiết nhằm trấn áp tội phạm xuyên quốc gia cũng như các mối đe doạ đối với hoà bình, an ninh, ổn định trong khu vực.

Lãnh đạo AMMTC đánh giá cao ý nghĩa của việc Công ước ASEAN về chống khủng bố (ACCT) có hiệu lực từ 27/5 vừa qua và kết quả công việc của Nhóm làm việc cấp cao ASEAN về chống khủng bố (SOMTC) trong việc hoàn thiện Giai đoạn hai Chương trình đối thoại về chống khủng bố giữa ASEAN và Nhật Bản (từ tháng 3/2011-tháng 3/2015), cũng như những nỗ lực trong việc điều phối chương trình hoạt động của SOMTC với các diễn đàn khác như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM +) và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF).

Tuyên bố chung khẳng định sự nhất trí đối với đề xuất được đưa ra tại Hội thảo về an ninh hàng không dân dụng tổ chức tại Jakarta tháng 7/2011 theo khuôn khổ Hợp tác chống khủng bố ASEAN-Nhật Bản.

Các nhà lãnh đạo AMMTC khẳng định vấn đề rửa tiền và cung cấp tài chính cho khủng bố được xác định là xương sống của hầu hết các hoạt động tội phạm xuyên quốc gia; nhận thấy tội phạm công nghệ cao đang gia tăng nhanh chóng. Chính vì vậy, các nước cần tiếp tục nỗ lực và hợp tác nhằm phòng chống, loại trừ những loại hình tội phạm này.

Ngoài ra, các đại biểu nhất trí rằng để có một cộng đồng ASEAN không có ma tuý vào năm 2015 thì các nước ASEAN cần tăng cường phối hợp, hợp tác mạnh mẽ hơn nữa, thông qua việc tăng cường các cơ chế khu vực trong khuôn khổ ASEAN cũng như hỗ trợ duy trì các nỗ lực phát triển khác.

Lãnh đạo AMMTC chia sẻ nhận thức rằng báo cáo Chủ tịch hội nghị Tư lệnh cảnh sát ASEAN lần thứ 31 (ASEANPOL-31) đã đưa ra những đề xuất về điều phối hoạt động giữa các thể chế khu vực hiện hành trên lĩnh vực tội phạm xuyên quốc gia, qua đó bổ sung vào các nỗ lực xây dựng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN vào năm 2015; ghi nhận kết quả của Diễn đàn an ninh biển ASEAN lần thứ hai (AMF-2) tổ chức tại Thái Lan tháng 8/2011. Các lãnh đạo nhất trí Hội nghị AMMTC sắp tới sẽ được tổ chức tại Lào vào năm 2013.

Tham dự các hoạt động tại AMMTC-8, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam Trần Đại Quang đã có các bài phát biểu quan trọng đề cập đến vấn đề tội phạm xuyên quốc gia tại Việt Nam và khu vực, kết quả thực hiện cam kết của Việt Nam trong phòng chống tội phạm xuyên quốc gia và kiến nghị tăng cường hiệu quả hợp tác khu vực, quốc tế trên lĩnh này.

Về hợp tác trong khuôn khổ AMMTC thời gian tới, Bộ trưởng Trần Đại Quang nhấn mạnh, trong những năm qua, việc hợp tác giữa các nước ASEAN về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia đã có bước phát triển, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm xuyên quốc gia trong khu vực, vì vậy việc duy trì khuôn khổ hợp tác này là rất cần thiết.

Tuy nhiên, cần nâng cao vai trò, hiệu quả của Hội nghị AMMTC và vai trò của nước chủ tịch luân phiên trong việc nghiên cứu, lựa chọn những lĩnh vực ưu tiên, nổi lên trong khu vực để chủ động đề xuất chương trình hành động phù hợp và có tính khả thi cao đối đối với mỗi nước thành viên ASEAN; đồng thời tăng cường hợp tác giữa các nước đối tác, đối thoại trên từng lĩnh vực ưu tiên cụ thể nhằm tranh thủ sự ủng hộ và hợp tác của các nước này trong đấu tranh phòng chống tội phạm xuyên quốc gia.

Bộ trưởng Trần Đại Quang cho rằng, việc hợp tác với các nước đối tác đối thoại có vai trò rất quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia trong khu vực. Do đó cần thúc đẩy quá trình ký kết các thoả thuận về hợp tác cũng như triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch hợp tác cụ thể với các nước đối tác đối thoại trong lĩnh vực phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, nhất là trong khuôn khổ AMMTC+3.

Để việc hợp tác đạt hiệu quả, Bộ trưởng đề nghị Ban Thư ký ASEAN phối hợp với các nước đề xuất chương trình, kế hoạch hợp tác cụ thể, có cơ chế triển khai thực hiện rõ ràng và lựa chọn được các nội dung ưu tiên triển khai trước.

Về hợp tác phòng chống khủng bố sau khi ACCT có hiệu lực, Bộ trưởng Trần Đại Quang đề nghị, các nước cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật quốc gia về phòng chống khủng bố, hoàn thiện việc phê chuẩn ACCT và chủ động xây dựng các phương án phòng chống khủng bố tại mỗi quốc gia. Bên cạnh đó, các nước ASEAN và đối tác đối thoại cũng cần tăng cường trao đổi thông tin, hợp tác trong phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hoạt động tài trợ cho khủng bố.

Bộ trưởng Trần Đại Quang đánh giá, thời gian qua, tình hình tội phạm mua bán người mặc dù được kiềm chế nhưng còn diễn biến hết sức phức tạp và tiềm ẩn nhiều yếu tố gia tăng. Việt Nam nhất trí thông qua Tuyên bố chung của các lãnh đạo ASEAN trong việc nâng cao hiệu quả hợp tác phòng, chống mua bán người tại Đông Nam Á, đồng thời đề nghị các nước thông qua để triển khai thực hiện.

Bên lề Hội nghị, Bộ trưởng Trần Đại Quang đã có buổi tiếp xúc song phương với Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwa, trao đổi về các vấn đề cùng quan tâm về xây dựng cộng đồng chính trị-an ninh ASEAN.

Tổng Thư ký Surin đánh giá cao đóng góp của Việt Nam đối với các công việc của ASEAN, nhất là trong năm Chủ tịch ASEAN 2010, cũng như sự tham gia tích cực, có trách nhiệm và hiệu quả của Việt Nam tại các diễn đàn của ASEAN./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục