Chứng khoán châu Á-TBD thêm một phiên ngụp lặn

Phiên 7/6, chỉ số chứng khoán MSCI châu Á-TBD (trừ Nhật) giảm 0,4%; trong đó giảm mạnh nhất là ngành tài nguyên, dịch vụ tiêu dùng.
Ngày 7/6, thị trường chứng khoán khu vực châu Á-Thái Bình Dương chứng kiến phiên thứ tư giảm điểm liên tiếp do những lo lắng liên quan đến đà tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu tuy chỉ mới bắt đầu phiên giao dịch cùng ngày, nhưng dự kiến sẽ trải qua phiên giảm thứ 5 liên tục, tiếp đà đi xuống đêm trước của chứng khoán Phố Wall, theo đó chỉ số S&P đã giảm mạnh nhất kể từ giữa tháng 3/2011, với -1,1%.

Trong phiên cùng ngày, chỉ số chứng khoán MSCI châu Á-Thái Bình Dương (trừ thị trường Nhật Bản) đã giảm 0,4%; trong đó giảm mạnh nhất là cổ phiếu ngành tài nguyên và dịch vụ tiêu dùng, vì giới đầu tư lo ngại rằng nhu cầu toàn cầu đang và sẽ giảm sút.

Kết thúc phiên này, chứng khoán Seoul của Hàn Quốc, giảm 0,65% xuống còn 2.099,71 điểm và chứng khoán Wellington, New Zealand, giảm 0,26% còn 3.505,61 điểm.

Theo chuyên gia phân tích thị trường hàng đầu của CMC Markets có trụ sở ở Sydney, Ric Spooner, những lo lắng đang đè nặng lên các thị trường trên thế giới, sau khi báo cáo tăng trưởng việc làm đáng thất vọng của Mỹ được công bố. Số liệu này làm dấy lên đồn đoán rằng tăng trưởng loại nhuận ngắn hạn của các doanh nghiệp Mỹ sẽ không được như dự báo.

Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng giảm 80,89 điểm xuống 22.868,67 điểm. Còn ở Thượng Hải, chỉ số Composite (bao gồm cả cổ phiếu loại A và B) tuy tăng 0,60% lên 2.744,30 điểm, song đà tăng bị hạn chế trước khả năng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ thắt chặt thêm nữa chính sách tiền tệ, nhằm kiềm chế tình trạng lạm phát leo thang. Cả hai thị trường này đều đóng cửa nghỉ lễ phiên trước.

Trái ngược hoàn toàn với sự ngụp lặn của chứng khoán khu vực, chứng khoán Nhật Bản lại có một phiên giao dịch lên điểm bất ngờ, nhờ hoạt động đầu cơ giá hạ, sau khi thị trường này đã giảm điểm ba phiên liên tiếp trước đó, khiến chỉ số Nikkei 225 mất tổng cộng 3,5%. Kết thúc phiên này, chỉ số Nikkei 225 tăng 62,60 điểm lên 9.442,95 điểm.

Yutaka Yoshii, quản lý trưởng của Công ty chứng khoán Mito, nói rằng một khi chỉ số Nikkei rơi xuống dưới ngưỡng 9.400 điểm, các nhà kinh doanh lập tức đẩy mạnh mua vào để đầu tư dài hạn, nhất là các cổ phiếu ngành dược phẩm. Sau mấy phiên giảm điểm gần đây, nhà đầu tư có tâm lý rằng nhiều cổ phiếu được định giá khá rẻ.

Tại thị trường Nhật Bản, cổ phiếu của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), sau khi giảm gần 28% phiên trước, đã tăng trở lại 4,34% lên 216 yen/cổ phiếu, sau khi người phát ngôn Chính phủ Nhật Bản Yukio Edano tuyên bố chính phủ nước này đang nỗ lực để tránh cho TEPCO khỏi bị phá sản./.

Trang Nhung (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục