Chính phủ Bồ Đào Nha vượt qua bỏ phiếu tín nhiệm

Với 130 phiếu ủng hộ, Chính phủ Bồ Đào Nha do Thủ tướng Pedro Passos Coelho đứng đầu ngày 30/7 đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm.
Với 130 phiếu ủng hộ, 92 phiếu chống, Chính phủ Bồ Đào Nha ngày 30/7 đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức cách đây hơn 2 năm, chính phủ liên minh của Thủ tướng Pedro Passos Coelho, hiện đang nỗ lực khôi phục lòng tin của người dân sau khi Bồ Đào Nha rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị do bất đồng về chính sách "thắt lưng buộc bụng", trải qua một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm.

Phát biểu tại quốc hội trước cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng Pedro Passos Coelho khẳng định để thực hiện tốt cam kết theo yêu cầu của các định chế tài chính quốc tế, việc duy trì ổn định chính trị trong nước là ưu tiên hàng đầu của chính phủ và tất cả các chính đảng.

Thông qua đối thoại, Chính phủ Bồ Đào Nha hy vọng sẽ đạt được sự đồng thuận với tất cả các chính đảng để đưa đất nước thoát khỏi cuộc suy thoái trầm trọng nhất trong nhiều năm qua.

Trước đó, ngày 23/7, Tổng thống Bồ Đào Nha Anibal Cavaco Silva đã thông qua kế hoạch cải tổ nội các sâu rộng, một trong những điều kiện chủ chốt nhằm hàn gắn rạn nứt trong chính phủ, vốn tạo ra nguy cơ đe dọa kế hoạch cứu trợ dành cho quốc gia thành viên Khu vực đồng euro (Eurozone) đang trong tình cảnh kinh tế lao đao này.

Bồ Đào Nha lâm vào cuộc khủng hoảng chính trị sau khi Bộ trưởng Tài chính Vitor Gaspar từ chức ngày 1/7 và Ngoại trưởng Paulo Portas cũng đưa ra quyết định tương tự một ngày sau đó. Khó khăn được tháo gỡ sau khi hai đảng trong liên minh cầm quyền đạt thỏa thuận về cải tổ nội các.

Ngoài ra, sáng kiến tiến hành tham vấn giữa các chính đảng chủ chốt nhằm đạt một "thỏa hiệp nhằm cứu nguy đất nước" cũng được Tổng thống Bồ Đào Nha Anibal Cavaco Silva đưa ra kịp thời.

Theo ông Silva, một thỏa ước như vậy sẽ giúp củng cố vị thế của Bồ Đào Nha trong những cuộc đàm phán với các chủ nợ quốc tế, gồm Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Để đổi lấy gói cứu trợ trị giá 78 tỷ euro (khoảng 101 tỷ USD) từ nhóm "bộ ba" chủ nợ, Bồ Đào Nha buộc phải thực hiện các cải cách sâu rộng, trong đó có việc cắt giảm hàng nghìn việc làm trong ngành dịch vụ công.

Chính sách "thắt lưng buộc bụng" của chính phủ đã làm dấy lên làn sóng biểu tình phản đối kéo dài suốt nhiều tháng qua, cũng như khoét sâu bất đồng giữa các đảng phái chính trị của Bồ Đào Nha.

Theo số liệu chính thức, nền kinh tế Bồ Đào Nha sẽ suy giảm 2,3% trong năm nay và tỷ lệ thất nghiệp được dự báo sẽ tăng lên 18,2%./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục