Khủng hoảng làm chậm tiến trình chống nghèo đói

Cuộc khủng hoảng tài chính đã làm chậm tiến trình thực hiện mục tiêu giảm một nửa số người nghèo nhất trên thế giới vào 2015.
Ngày 21/9, các nhà lãnh đạo Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã làm chậm tiến trình thực hiện mục tiêu giảm một nửa số người nghèo nhất trên thế giới vào năm 2015.

Theo lãnh đạo hai thể chế tài chính đa phương này, cuộc khủng hoảng tín dụng ở các nước phát triển, kèm theo giá dầu mỏ và lương thực tăng cao, đã hạn chế tiến bộ trong việc giảm số người nghèo nhất trên thế giới. Theo báo cáo của WB hồi tháng 8/2008, thế giới có khoảng 1,4 tỷ người sống trong cảnh cùng khổ (mức sống trung bình dưới 1,25 USD/ngày).

Trong báo cáo các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG), Liên hợp quốc cho biết Trung Quốc và Ấn Độ đạt kỷ lục tăng trưởng nhanh nhất và giảm nghèo đói mạnh nhất, trong khi đó các khu vực Nam sa mạc Sahara của châu Phi và Đông Nam Á chững lại.

Phát biểu tại Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về các MDG tại New York, Mỹ, Giám đốc điều hành IMF Dominique Strauss-Kahn cho biết trước khủng hoảng, các nước đang phát triển tăng trưởng mạnh, nhưng cuộc khủng hoảng tín dụng đã làm chậm nhiều năm tiến bộ và chệch hướng động lực.

WB dự kiến năm 2010, thế giới có khoảng 64 triệu người sống trong điều kiện quá nghèo do các cuộc khủng hoảng lương thực, nhiên liệu và tài chính.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đề nghị lãnh đạo các nước và các chính phủ tăng cường các khoản đầu tư, viện trợ và quyết tâm chính trị để chấm dứt nghèo đói. Ông cũng kêu gọi các nước giàu không từ bỏ cam kết trước đây về việc cung cấp các khoản viện trợ phát triển chính thức cho các nước nghèo.

Năm 1981, hơn 50% dân số ở các nước đang phát triển sống trong điều kiện quá nghèo, nhưng năm 2005 con số đó đã giảm hơn một nửa. Các nước nghèo hơn cần sự hỗ trợ bởi vì các nền kinh tế mới nổi đã giúp thế giới thoát khỏi suy thoái.

Tuy nhiên, phát biểu trong ngày thứ hai của Hội nghị Liên hợp quốc về MDG, Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo rằng viện trợ cho các nước nghèo không thể tiếp tục kéo dài vô hạn, do đó nhiệm vụ chính là phải sử dụng các nguồn tài nguyên một cách hạn chế và có hiệu quả nhất. Theo bà, điều này chỉ được thực hiện thông qua sự quản lý tốt phù hợp với tiềm lực của các nước đang phát triển.

Đáp lại tuyên bố của bà Merkel, đại diện các nước Cuba, Iran, Triều Tiên và Zimbabwe cho rằng chính các nước phát triển phương Tây là thủ phạm gây ra những rủi ro cho các nước đang phát triển, do đó họ phải hành động để "chuộc lỗi" chứ không phải ra tay cứu vớt các nước nghèo.

Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad cho rằng chủ nghĩa tư bản tự do khắt khe và các tập đoàn xuyên quốc gia đã gây ra những đau khổ cho người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em ở nhiều nước trên thế giới. Ông kêu gọi cải cách căn bản trật tự thế giới "phi dân chủ và bất công" hiện nay. Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe chỉ trích điều mà ông gọi là những "biện pháp trừng phạt bất hợp pháp và làm suy yếu" quốc gia châu Phi này, khiến nước này không đạt được mục tiêu giảm đói nghèo.

Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez Parrilla lên án Mỹ và các cường quốc công nghiệp khác đã gây ra cuộc khủng hoảng toàn cầu kéo theo những hậu quả tiêu cực, tác động lớn đến các nước nghèo. Ông cảnh báo chính phương Tây cũng sẽ bị ảnh hưởng từ những khó khăn của các nước nghèo. Nhà ngoại giao Cuba cũng cho biết La Habana đã thực hiện thành công tám mục tiêu phát triển bất chấp lệnh bao vây cấm vận của Mỹ trong năm thập kỷ qua.

Triều Tiên kêu gọi cộng đồng quốc tế "tạo lập môi trường hòa bình bằng cách chấm dứt sử dụng sức mạnh" và "điều chỉnh cấu trúc kinh tế quốc tế bất hợp lý," nỗ lực hơn nữa nhằm tạo điều kiện cho các nước đang phát triển hiện thực hóa các mục tiêu chống đói nghèo.

Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) và Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) nhấn mạnh cộng đồng thế giới không được phép xao nhãng trong cuộc chiến chống đói nghèo, ngay cả khi số người bị đói kinh niên trên thế giới đã lần đầu tiên trong 15 năm qua giảm từ hơn 1 tỷ xuống 925 triệu người.

Giám đốc chấp hành WFP Josette Sheeran mô tả "đói là bộ mặt dữ dội nhất của nghèo" và chỉ có hành động nhanh chóng cùng quyết tâm chính trị của các nhà lãnh đạo thế giới mới có thể biến đổi cuộc sống của hàng tỷ người trên Trái Đất đang bị đói hàng ngày.

Bà kêu gọi lãnh đạo các nước xử lý vấn đề đói một cách thận trọng. Thế giới đã và đang chứng kiến giá lương thực tăng trở lại và đang biến động chưa từng thấy. Các cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính và lương thực đã làm bộc lộ những khiếm khuyết cơ cấu của cuộc chiến chống đói nghèo, trong đó người nghèo ở các nước nghèo không thể mua được những lương thực cơ bản.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Tổ chức Phụ nữ Liên hợp quốc (UNWOMEN) nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc làm có thu nhập hợp lý và cải thiện các biện pháp an sinh xã hội trong cuộc chiến chống đói nghèo. Tổng Giám đốc ILO Juan Somavia nhấn mạnh việc làm không chỉ là phương tiện sản xuất mà còn là phương tiện khẳng định giá trị con người, phẩm giá xã hội và gắn kết gia đình, là nhân tố then chốt liên kết MDG. Vì vậy, các nước cần đưa nhu cầu tạo việc làm vào trung tâm chính sách kinh tế.

Giám đốc chấp hành UNWOMEN Michelle Bachelet cũng khẳng định sự cần thiết phải gắn nhu cầu tạo việc làm tốt với tăng cường các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội trong tiến trình thúc đẩy MDG, đặc biệt đối với người nghèo và những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội như phụ nữ và trẻ em.

Theo số liệu của ILO, số người thất nghiệp trên toàn cầu đã tăng thêm 30 triệu người so với năm 2007./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục