FED cân nhắc bước đi mới vực dậy nền kinh tế Mỹ

FED đang cân nhắc những bước đi mới nhằm thúc đẩy đà phục hồi đang có dấu hiệu chững lại của nền kinh tế nước này.
Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) ngày 2/11 đã bắt đầu cuộc họp quan trọng cân nhắc những bước đi mới nhằm thúc đẩy đà phục hồi đang có dấu hiệu chững lại của nền kinh tế đầu tàu thế giới.

Theo giới quan sát, cuộc họp kéo dài hai ngày này của Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của FED, sẽ kết thúc với việc ngân hàng trung ương thông qua các khoản chi lớn để kích thích nền kinh tế, nối lại việc mua trái phiếu dài hạn của Mỹ với số lượng mới, coi đây là những biện pháp cần thiết để vực dậy nền kinh tế đang phục hồi khá mong manh của Mỹ.

Đây cũng là những công cụ đã được FED sử dụng trong giai đoạn khủng hoảng trước đây. Tuy nhiên, nếu được FOMC thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên chúng được triển khai trong bối cảnh nền kinh tế đã thoát khỏi nguy cơ sụp đổ. Vì thế, một số thành viên FED cho rằng những bước đi mới này hoàn toàn không cần thiết và có thể dẫn tới lạm phát trong thời gian dài.

Theo họ, thay vì can thiệp, FED nên để các thị trường tự điều tiết dù quá trình phục hồi kinh tế đang diễn ra chậm chạp. Họ cũng quan ngại rằng nếu các biện pháp này thất bại, uy tín của ngân hàng trung ương sẽ bị tổn hại nghiêm trọng.

Trong khi đó, các ý kiến ủng hộ chủ trương "bơm tiền" này lập luận rằng FED phải hành động khi mà tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát của nền kinh tế Mỹ đều đang ở mức cao và không bền vững.

Theo số liệu thống kê mới nhất, trong quý 3 vừa qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ đạt 2,0%, tăng 0,3% so với quý trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng Chín là 9,6%.

Các nhà kinh tế cho rằng Mỹ phải tăng trưởng ít nhất 3% mới có thể giảm được tỷ lệ thất nghiệp.

FED đã rót khoảng 1.500 tỷ USD để phục hồi nền kinh tế và giới chuyên gia nhận định nhiều khả năng kết thúc cuộc họp này, FOMC sẽ thông báo mua khoảng 500 tỷ USD trái phiếu chính phủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục