Giá trị tài trợ "cưỡng ép" cả nội dung chương trình?

Doanh nghiệp “nhúng sâu” vào chương trình truyền hình sẽ làm ảnh hưởng cả thương hiệu doanh nghiệp lẫn chất lượng chương trình.
Đã có một thời gian khá dài, các chương trình truyền hình tại Việt Nam giữ được vị trí cao trong lòng khán giả. Ở giai đoạn “hoàng kim” ấy, có khi cả một xóm nhỏ chừng 20-30 con người lại dán mắt vào chiếc tivi cũ kỹ của một nhà nào đó chỉ để xem "Đường lên đỉnh Olympia," "Làng vui chơi-Làng ca hát," một vở chèo được truyền trực tiếp… hay những sự kiện lớn hơn như lễ chào mừng ngày Quốc khánh 2/9.

Thế nhưng, thời kỳ được coi là huy hoàng nhất ấy - khi mà hầu như chương trình truyền hình nào cũng chỉ nhận toàn lời khen của khán giả chứ rất ít lời chê - dường như đã qua rất lâu rồi, khi mà ngày càng có nhiều lời phàn nàn từ người xem vì sự “thô lỗ,” kệch cỡm và nực cười vì cách thức quảng cáo ngay trong nội dung các chương trình truyền hình.

Giống như nhiều người khác, anh Bình ở quận Hoàn Kiếm vốn rất thích các chương trình gameshow nhưng cũng có lần phải lắc đầu ngao ngán, tắt vội tivi khi đứa con 6 tuổi của anh thắc mắc, chương trình gì mà lại có tên giống mấy... gói nhỏ của mẹ.

Rất nhiều khán giả khác, mặc dù không hề khó tính nhưng cũng phải nhăn mặt, thậm chí… toát mồ hôi khi lũ trẻ suốt ngày phải thấy một loạt ca sỹ nhảy múa, hát hò ngay dưới tên những sản phẩm nhạy cảm như vậy.

“Không phải cần đến những mẩu quảng cáo xen giữa chương trình, con tôi vẫn thuộc đủ loại tên nhãn hiệu, từ dầu gội đầu, mỳ gói, dầu ăn đến cả… băng vệ sinh,” chị Hiền, một phụ huynh than thở.

Tên nhà quảng cáo to hơn tên chương trình

Trên thực tế, không thiếu những doanh nghiệp sử dụng các chương trình truyền hình để quảng bá cho các thương hiệu của mình. Điều này chẳng có gì sai, trừ phi việc quảng bá quá đà tới mức người xem khó chấp nhận.

Có thể kể đến trường hợp chương trình “Duyên dáng truyền hình ASEAN” từng được phát sóng trực tiếp trên kênh HTV7. Sân khấu đẹp, hoành tráng, ánh sáng âm thanh tốt, có cả màn hình lớn giữa sân khấu nhưng chễm chệ ngay giữa sân khấu lại là cái logo Vina Acecook. Tên chương trình được để khiêm tốn sau lưng MC (chỉ ghi tiếng việt không ghi tiếng Anh) và liên tục bị chính MC này… che mất.

“Cao tay” hơn, có doanh nghiệp còn “xài sang” khi tổ chức hẳn những gameshow quy mô dành cho giới trẻ cùng với các chương trình truyền hình thực tế kèm theo. Tiêu biểu nhất là cuộc thi “Bước nhảy Xì-tin” do một nhãn hiệu băng vệ sinh khá có tiếng đứng ra thực hiện.

Trong phần điều lệ của mình, ban tổ chức ghi rõ: “Để có một tấm vé tham gia chương trình rất đơn giản. Các bạn chỉ cần đổi hai vỏ bao Kotex Style tại quầy đổi vé là có thể tham gia đại tiệc.”

“Nội dung cuộc thi khá hấp dẫn và phù hợp với lứa tuổi, nhưng cách ‘lăng xê’ thương hiệu như thế là rất phản cảm và khó chấp nhận,” một khán giả gay gắt nói.

Một loạt các chương trình ca nhạc chào năm mới, chào mừng Quốc khánh… được những “mạnh thường quân” đứng sau, với cách làm giống nhau như lột: Đại diện nhà tài trợ lên phát biểu đồng thời tự đánh bóng thương hiệu. Sau đó chương trình được chạy. Đến khi kết thúc, lại là vị đại diện nọ lên tặng hoa, trao quà.

Và, nếu một vị khán giả nào đó không kiên nhẫn, hẳn họ đã nghĩ: “Sao lại có chương trình doanh nghiệp tự giới thiệu được phát vào khung giờ vàng trên sóng truyền hình quốc gia?”

Tự hào hai tiếng... "tài trợ"


Bàn về vấn đề doanh nghiệp “với tay quá sâu” vào các chương trình truyền hình hiện nay, tiến sỹ xã hội học Trịnh Hòa Bình khẳng định, điều này sẽ làm ảnh hưởng đến cả thương hiệu doanh nghiệp lẫn chất lượng chương trình.

Ông Bình thẳng thắn cho rằng, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp cho các chương trình nghệ thuật là đáng trân trọng, nhưng các thương hiệu lớn thực tế không cần quảng bá quá mức mà chỉ nên điểm xuyết đôi lần trong sự kiện và được nhắc đến khéo léo. Làm như vậy, doanh nghiệp vừa thể hiện được thái độ tôn trọng khán giả đồng thời tên thương hiệu sẽ làm người ta nhớ đến với việc đã đem lại cho người xem một chương trình hay và độc đáo cả về nội dung và quy mô tổ chức.

Ngược lại, nếu lạm dụng, bản thân chương trình sẽ bị bóp méo, thậm chí trở nên vô cùng lố bịch. Ông Bình lấy ví dụ: “Ngay cả chương trình lớn như 'Tự hào hai tiếng Việt Nam' tối 2/9 cũng bị ‘làm xấu’ bởi bài phát biểu và màn múa võ của ông Tổng giám đốc tập đoàn tài trợ.” Đó là chưa kể kết thúc chương trình là bài hát toàn nhắc đến một loại... đồ uống giải khát.

Cần lưu ý thêm rằng “Tự hào hai tiếng Việt Nam” được coi là điểm nhấn, mở đầu cho chuỗi sự kiện hướng tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, được kết hợp chặt chẽ với kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (ít nhất là theo lời ban tổ chức).

“Trong những trường hợp này, chúng ta  trách các doanh nghiệp một thì phải trách các nhà đài 2 hoặc 5 lần. Bởi chính các nhà đài phải chịu trách nhiệm về nội dung, mục đích cũng như ý nghĩa của chương trình đó mang lại cho đối tượng tiếp nhận,” tiến sỹ Bình khẳng định.

Ông Bình cũng nhìn nhận thẳng thắn vấn đề: “Hiện nay, các cơ quan quản lý vẫn phó mặc cho các đơn vị tổ chức truyền thông, công ty tổ chức sự kiện về nội dung mà chưa có sự thẩm định nghiên cứu kỹ càng. Hơn nữa, bản chất của các công ty truyền thông làm với mục đích chính là lợi ích kinh tế mà không để ý đến người tiếp nhận chương trình xem họ đánh giá thế nào về chương trình sau khi lên sóng.”

Đồng tình với quan điểm đó, Chuyên viên tâm lý Nguyễn Minh Đức, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, việc các thương hiệu hay nhãn hiệu của các công ty được đặt trang trọng hơn tên chính của chương trình đã vô tình làm mờ đi bản chất của sự kiện và người xem bị đánh lừa.

“Có thể vì lợi ích và giá trị tài trợ chương trình quá lớn nên tiếng nói của doanh nghiệp đã cưỡng ép nội dung của chương trình,” ông Đức bày tỏ.

Theo ông Đức, để hạn chế phần nào thực trạng trên, các nhà đài nên nghiêm túc trong các khâu thẩm tra, tổ chức các chương trình, tránh tình trạng khán giả quay lưng lại với truyền hình Việt./.

Sơn Bách - Mạnh Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục