Bangladesh: Các vụ đụng độ gây nhiều thương vong

Hàng chục người thương vong ở Bangladesh khi cảnh sát đụng độ những người biểu tình nhằm yêu cầu tiến hành tổng tuyển cử trước hạn.
Đã có ít nhất hai người thiệt mạng và hàng chục người bị thương trên khắp Bangladesh trong ngày 9/12, khi cảnh sát đụng độ với những người biểu tình đang tìm cách phong tỏa đường phố với yêu cầu tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn dưới sự điều hành của một chính phủ lâm thời.

Ở thủ đô Dhaka, cảnh sát đã bắn đạn cao su và hơi cay để giải tán người biểu tình ở nhiều địa điểm, bắt giữ khoảng 50 đối tượng. Trong khi đó, những người biểu tình đáp trả bằng bom xăng tự chế, đốt phá xe ô tô, xe buýt.

Xô xát nghiêm trọng cũng diễn ra giữa những người biểu tình từ đảng đối lập chính Dân tộc chủ nghĩa Bangladesh (BNP) với những người ủng hộ đảng cầm quyền Liên đoàn Awami khiến một người thiệt mạng khi bị tấn công bằng dao.

Theo người phát ngôn BNP, nạn nhân là một trong những nhà hoạt động của đảng này. Người phát ngôn BNP còn cho biết có thêm 3 người khác bị thiệt mạng, song thông tin này chưa được kiểm chứng.

Khoảng 10.000 cảnh sát được triển khai để bảo đảm giao thông thông suốt trên các tuyến đường cao tốc, nhưng giới chức cho biết giao thông trên nhiều tuyến đường bị ngừng trệ nghiêm trọng.

Trong khi đó, xô xát cũng xảy ra giữa cảnh sát và người biểu tình tại các thành phố Khulna, Rajshahi, Barisal và Sylhet. Ở thị trấn miền Bắc Palashbari, lực lượng an ninh đã phải dùng đạn cao su để giải tán hàng trăm người biểu tình phong tỏa một đường phố.

BNP tổ chức các cuộc tuần hành biểu tình nói trên với yêu cầu tổ chức tổng tuyển cử sớm dưới sự điều hành của một chính phủ lâm thời trung lập.

Hệ thống này đã bị hủy bỏ theo một quyết định năm 2011 của chính phủ hiện thời. BNP và 17 đảng nhỏ hơn, trong đó có các đảng Hồi giáo, dọa rằng họ sẽ không tham gia các cuộc bầu cử trong tương lai nếu hệ thống trung lập trên không được khôi phục.

Cả 4 cuộc tổng tuyển cử vừa qua tại Bangladesh đều được tổ chức với sự vận hành của hệ thống trung lập này.

Theo đó, một chính phủ lâm thời sẽ nắm quyền 3 tháng trước khi chính phủ đương nhiệm kết thúc nhiệm kỳ và sẽ thực hiện việc giám sát cuộc tổng tuyển cử được tiến hành sau đó.

Theo kế hoạch, Bangladesh sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào đầu năm 2014./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục