Thường vụ Quốc hội thảo luận dự án Luật Thủ đô

Dự thảo Luật Thủ đô gồm 4 chương với 33 điều quy định vị trí, vai trò của Thủ đô, nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.
Sáng 17/8, tiếp tục chương trình làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thủ đô.

Tờ trình về dự án Luật Thủ đô do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nêu rõ Dự án Luật Thủ đô trình Quốc hội khoá XII đã được bắt đầu chuẩn bị từ năm 2009 theo đúng trình tự, thủ tục và yêu cầu của Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật, cơ bản đã được Ủy ban pháp luật của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành trình Quốc hội xem xét, thông qua. Tuy nhiên, dự án Luật đã không được Quốc hội thông qua, đặc biệt là điều khoản về chính sách, cơ chế tài chính.

Sau khi được Quốc hội đưa vào Chương trình chính thức năm 2012, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp tiếp tục chủ trì, phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội soạn thảo dự án Luật Thủ đô. Bộ Tư pháp đã thành lập lại Ban soạn thảo, Tổ biên tập và đã tổ chức việc soạn thảo dự án Luật theo trình tự, thủ tục soạn thảo một dự án luật mới.

Trong quá trình xây dựng dự án Luật, Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã tổ chức các cuộc làm việc với các Bộ, ngành để thống nhất ý kiến về từng vấn đề mang tính chuyên ngành. Dự án Luật Thủ đô đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định, ý kiến tham gia của các Bộ, ban ngành Trung ương, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, và ngày 7/8/2012, tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, Chính phủ đã thảo luận và nhất trí thông qua, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Dự thảo Luật Thủ đô gồm 4 chương với 33 điều quy định vị trí, vai trò của Thủ đô, nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô và lựa chọn để quy định 16 chính sách, cơ chế đặc thù cho Thủ đô với tư cách là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, tập trung vào 7 lĩnh vực như quy hoạch, văn hoá, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, môi trường - đất đai, kinh tế - tài chính, bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn xã hội.

Ý kiến chung của Thường trực Ủy ban pháp luật là cơ quan tiến hành thẩm tra tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô nhằm tạo lập cơ sở pháp lý mạnh mẽ và điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô Hà Nội, xứng đáng là Thủ đô của cả nước. Thường trực Ủy ban tán thành việc lựa chọn quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù dành cho Hà Nội với tư cách là Thủ đô của cả nước mà chưa được quy định trong các luật hiện hành hoặc tuy đã được quy định nhưng chưa phù hợp với đặc thù Thủ đô. Đối với những nội dung không phải là cơ chế, chính sách đặc thù mà với các quy định hiện hành vẫn có thể thực hiện được thì không cần quy định trong Luật.

Về biểu tượng của Thủ đô, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển tán thành với loại ý kiến thứ nhất lựa chọn Biểu tượng của Thủ đô là hình ảnh Khuê Văn Các. Biểu tượng của Thủ đô là hình tượng đặc trưng gắn với truyền thống lịch sử, văn hóa của Hà Nội và của cả dân tộc Việt Nam; thể hiện nguyện vọng của người dân Thủ đô và nhân dân cả nước về một Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Vì vậy, việc quy định về Biểu tượng của Thủ đô trong dự thảo Luật là cần thiết.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị ban soạn thảo cần phải thể hiện có tính thuyết phục hơn về những lý do lựa chọn hình ảnh Khuê Văn Các là biểu tượng của Thủ đô chứ không phải là Chùa Một cột hay Tháp Rùa.

Bàn về việc quy định mức thu một số loại phí, lệ phí cao hơn trên địa bàn Thủ đô (Điều 23), nhiều ý kiến tán thành với nội dung thể hiện tại điểm b khoản 3 Điều 23 của dự thảo Luật, cho phép Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội được “Quy định mức thu phí, lệ phí ở nội thành cao hơn, nhưng không quá 2 lần so với mức thu do Chính phủ và Bộ Tài chính quy định đối với các khoản thu phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của Hội đồng Nhân dân thành phố trong các lĩnh vực môi trường, giao thông vận tải nhằm đầu tư bảo vệ môi trường và xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình giao thông.”

Việc giới hạn trong 2 lĩnh vực là hợp lý vì đây là những lĩnh vực thực sự bức xúc, đặc biệt là vấn đề quá tải về cơ sở hạ tầng nên cần phải quy định mức phí, lệ phí cao hơn để đầu tư bảo vệ môi trường và xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình giao thông. Đồng thời, quy định này cũng nhằm khuyến khích việc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng và bảo vệ môi trường trên địa bàn Thủ đô. Việc đặt ra phí, lệ phí là vấn đề liên quan đến nghĩa vụ của công dân, do vậy chỉ nên thực hiện trong trường hợp thật cần thiết và với mục đích rõ ràng, phù hợp thì mới nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân.

Thảo luận về quản lý dân cư (Điều 21), nhiều ý kiến cho rằng để góp phần hạn chế tình trạng quá tải, tăng dân số cơ học ở nội thành, cần áp dụng một số biện pháp hành chính chặt chẽ hơn về đăng ký thường trú tại nội thành Hà Nội khác với quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật Cư trú.

Những năm gần đây, Hà Nội đang phải chịu áp lực ngày một lớn do tình trạng tăng dân cư quá nhanh, đặc biệt là ở nội thành.

Trên thực tế, điều kiện về cơ sở hạ tầng và khả năng cung ứng dịch vụ công của Thành phố như giáo dục, ‎ y tế, giao thông… không thể đáp ứng kịp với số lượng người nhập cư ngày càng tăng vào Thủ đô. Trong khi đó, Thành phố cũng không có đủ kinh phí để cải thiện cơ sở hạ tầng, cũng như tăng khả năng cung ứng dịch vụ công cho số lượng lớn dân cư như vậy. Quy định này thể chế hóa định hướng đã nêu tại Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị, với một trong những nội dung là cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý dân cư ở Thủ đô. Tuy nhiên một số ý kiến nêu rõ đây chỉ là một giải pháp trong tình hình hiện nay và nó phải được thực hiện đi cùng với các giải pháp khác mới có hiệu quả.

Buổi chiều, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục làm việc theo chương trình./.

Quỳnh Hoa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục