Nhà ở xã hội có quay về nhà thời bao cấp?

Khi triển khai nhà ở xã hội, trả lời báo chí Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam tỏ rõ thái độ cẩn trọng khi nói rằng: “Khi mà cung vẫn nhỏ hơn cầu thì tình trạng mua bán lòng vòng, tiêu cực có thể vẫn sẽ xảy ra."

Khi triển khai nhà ở xã hội, trả lời báo chí Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam tỏ rõ thái độ cẩn trọng khi nói rằng: “Khi mà cung vẫn nhỏ hơn cầu thì tình trạng mua bán lòng vòng, tiêu cực có thể vẫn sẽ xảy ra."

"Chúng tôi sẽ cố gắng hạn chế tình trạng này," ông Nam cũng khẳng định thêm.
 
Vì thế, khi chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa, những dự án nhà ở xã hội đầu tiên sẽ chính thức được khởi công, nhưng vẫn còn những băn khoăn khi triển khai một chủ trương lớn này của chính phủ bởi sự lo ngại nếu hiểu và làm không đúng, nhà ở xã hội sẽ quay lại thời kỳ nhà ở bao cấp đã từng diễn ra vào những năm 90 của thế kỷ trước.
 
"Di sản xấu xí"
 
Tại Khu tập thể Đại học Công đoàn đường Tây Sơn (Hà Nội), hàng chục ngôi nhà đã thành nhà thuê văn phòng, hàng cà phê. Ông Hồng, cán bộ nghỉ hưu của khu tập thể có 80m2 đất đã xây nhà 4 tầng, tầng một và tầng hai gia đình cho một công ty trách nhiệm hữu hạn đặt văn phòng với khoản thu mỗi tháng hơn 10 triệu đồng. Trước khi cho thuê, ông đã làm cầu thang phụ lên thẳng tầng 3, nơi 5 người gia đình ông hiện vẫn sinh sống để cách biệt hoàn toàn với 2 tầng phía dưới.
 
Hỏi về thu nhập, ông Hồng nói kể cả thu nhập từ cho thuê 2 tầng nhà và lương hưu là gần 15 triệu đồng. "Chỉ trông chờ vào đồng lương nhà nước thời trượt giá này thì cũng khó sống,” ông tâm sự.
 
Ngôi nhà của ông Hồng được nhà nước phân cho từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, giờ là nguồn sinh lợi nuôi đôi vợ chồng già. Hiện nay, ở Hà Nội có hàng ngàn ngôi nhà như vậy là vết tích thời bao cấp nhà đất.
 
Không ai lạ những câu chuyện phản ánh "bộ mặt xấu xí" của cơ chế nhà-đất thuở trước. Quy định chỉ hỗ trợ phân cấp cho những người chưa có nhà hoặc có nhu cầu thật sự về nhà, nhưng thực tế hoàn toàn không phải như vậy. Người cần chốn dung thân chưa chắc đã có nhà, và có những người đang có nhà ở đàng hoàng vẫn có thể được cấp thêm diện tích.
 
"Giá trị của miếng đất thời đó không phân chia mặt tiền, ở đường này, đường kia. Cả Hà Nội được vài cái chung cư. Lúc đó, ở trong gian chung cư tập thể sang lắm, không phải ai có chế độ cũng vào được đó. Nhưng chỉ chục năm sau khi giá đất tăng chóng mặt thì 'gió lại đổi chiều.' Nhiều người ở chung cư tập thể tiếc hùi hụi," ông Hồng nhớ lại.
 
Năm 1993, ở một xí nghiệp giấy sắp giải thể của tỉnh Thanh Hóa, bà Trịnh Thị Mai, nguyên là tổ trưởng tổ sản xuất, có thời gian làm việc trực tiếp tại xưởng chỉ 2 năm nhưng đã có hơn 10 năm bám rừng miền tây Thanh Hóa lo phát triển vùng cây nguyên liệu.
 
Khi xí nghiệp sắp giải thể thì có chủ trương phân đất ngay tại nền cơ quan cho cán bộ xí nghiệp, bà Mai cũng được một lô đất diện tích hơn 100m2.
 
Nhưng tới tận bây giờ, bà Mai vẫn cho rằng: "Chế độ phân nhà bao cấp vẫn không hợp lý. Có quá nhiều nhu cầu mà quỹ đất cũng chỉ có hạn. Người cống hiến nhiều, dĩ nhiên là được đất. Nhưng còn những người trẻ thì còn nhiều năm công tác nữa mà cơ hội phân đất chỉ có một lần. Thế nên, mới nảy sinh chuyện kiện cáo, chạy chọt, dẫn tới tiêu cực…"
 
Nhìn lại chính sách nhà bao cấp một thời, có những điểm tích cực như đã góp phần chăm lo nơi ở chính đáng cho cán bộ có nhiều cống hiến, bảo đảm một phần quyền lợi cho đời sống viên chức nhà nước.
 
Nhưng ngược lại, nhiều bất cập đã hiện rõ như tính công bằng, cơ chế xin cho mà trước khi triển khai đã không tính toán hết được. Những "tài sản vô hình" như chức vụ, quan hệ sau này đã biến thành những mảnh đất "tiền trăm triệu, tiền tỷ," thành những tài sản cố định cả đời.
 
Cơ chế xin-cho

Chỉ người sống thời khó khăn những năm đầu đổi mới mới hiểu và thấm thía được những “tài sản vô hình” biến thành đất, thành nhà mà trong đó nảy sinh những bất cập do cơ chế.
 
Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nhận định về chính sách nhà ở một thời: "Chúng ta đã xóa bỏ nhà bao cấp từ đầu những năm 90 nhưng hơn 15 năm sau mới nghĩ đến chính sách thay thế thì quả hơi muộn! Đây là vấn đề quan trọng, cần những suy nghĩ và cách nhìn toàn diện, không thể hấp tấp được! Có ngay nhà nhanh thì rất tốt để đáp ứng nhu cầu, nhưng rất dễ vấp váp! Hiện tôi theo dõi thấy nhiều ý tưởng được đưa ra rất đáng hoan nghênh, nhưng xem chừng cũng chưa chín chắn lắm."
 
Cùng quan điểm với ông Phạm Sỹ Liêm là người đồng nghiệp, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam. Theo ông, nhà ở xã hội khi được nhà nước ưu đãi quá nhiều sẽ dễ dẫn tới cơ chế xin cho mặc dù Bộ Xây dựng đã có quy định rõ ràng về đối tượng mua nhà.
 
Ông Hùng nhận định, có 3 vấn đề đặt ra trước khi triển khai nhà ở xã hội theo hướng của Bộ Xây dựng là: Đối tượng mua nhà, quản lý nhà ở, và cuối cùng là khi nào hoàn thành.
 
Về đối tượng mua nhà thì trong Nghị định của chính phủ đã quy định rõ 3 đối tượng là sinh viên, công nhân các khu công nghiệp và người có thu nhập ở thành thị. Nhưng khi đi sâu vào triển khai thì từng đối tượng này cũng cần được phân chia cụ thể, để hướng vào đúng đối tượng cần thiết nhất.
 
Theo ông Hùng, để trả lời ba câu hỏi đặt ra này cần phải tính toán thật kỹ lưỡng. Cách làm của Bộ Xây dựng vẫn có thể còn hạn chế nhất định khi nhà nước lo quá nhiều việc mà người có thu nhập thấp cần mua nhà lại ở thế bị động khi phải xét duyệt.
 
Nhà ở xã hội = Doanh nghiệp tự chủ + người thuê chủ động?
 
Theo ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, hiện tại chính sách nhà ở xã hội do Bộ Xây dựng đề xuất, nhà nước lo quá nhiều việc và cũng có nhiều ưu đãi với doanh nghiệp, như: hỗ trợ vốn trực tiếp từ lãi suất nhân hàng, miễn thuế sử dụng đất và lo luôn cả vốn xây dựng cơ sở hạ tầng.
 
Làm như vậy, ông Hùng cho rằng sẽ dẫn tới dạng nhà cực rẻ và dễ phát sinh tiêu cực trong khi phân đối tượng mua nhà dẫn tới cơ chế xin-cho.
 
Ông Hùng cho hay, hiện nay không chỉ Việt Nam quan tâm tới nhà ở xã hội mà là tất cả các nước đều quan tâm tới vấn đề này. Và không một nước nào không dành khoản kinh phí nhất định để làm nhà ở xã hội tốt hơn. Một số nước có điều kiện và hoàn cảnh khi triển khai giống Việt Nam nhưng cách làm của họ lại khác.
 
Cụ thể, ông Hùng đề xuất: Trong điều kiện còn nghèo như Việt Nam nên chuyển tất cả nhà ở xã hội sang dạng cho thuê. Vì cán bộ, công nhân nghèo có thu nhập dưới 3 triệu đồng có nhu cầu nhà ở cũng không thể trả hết nợ tiền nhà khoảng 200 đến 300 triệu đồng trong vòng 10 năm.
 
Bước tiếp theo là không hỗ trợ vốn, giảm hay miến thuế cho doanh nghiệp mà số tiền đó nên chuyển đến tận tay người có thu nhập thấp cần nhà ở. Cách làm này có thể dẫn tới vay trực tiếp nhà nước thì số lượng người vay sẽ nhiều hơn và ưu đãi thuế với đối tượng này.
 
Theo ông Hùng, làm như vậy sẽ dẫn tới thị trường tự điều tiết hoạt động cung cầu, khi nhu cầu có thì sẽ có nguồn cung hợp lý. Tạo ra cầu có sự hỗ trợ vốn vay từ nhà nước. Với cách làm này, doanh nghiệp sẽ chủ động đáp ứng nhu cầu trong khi người cần nhà sẽ tự chủ chứ không phải trông chờ vào xét duyệt./.
 


Thông Chí (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục