Italy thúc đẩy cải cách lao động mang tính lịch sử

Kế hoạch cải cách nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang trì trệ bằng cách tạo thuận lợi cho người lao động dễ tìm kiếm việc làm hơn.
Chính phủ Italy ngày 20/3 đã đưa ra một kế hoạch cải cách lao động quan trọng mang tính lịch sử sau khi đạt được thỏa thuận từng phần trong cuộc gặp cùng ngày với đại diện các tổ chức công đoàn, doanh nghiệp.

Kế hoạch cải cách trên, được Thủ tướng Italy Mario Monti đánh giá là một bước ngoặt "quan trọng," nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang trì trệ bằng cách tạo thuận lợi cho người lao động dễ tìm kiếm việc làm hơn ở một đất nước có gần một phần ba số người trẻ tuổi đang bị thất nghiệp.

Điểm tranh cãi chính trong cuộc gặp giữa Chính phủ và đại diện các tổ chức công đoàn, doanh nghiệp là liệu có nên sửa đổi Điều 18 trong bộ luật lao động vốn cấm các công ty có hơn 15 nhân viên sa thải công nhân nếu không có lý do chính đáng hay không. Lý do chính đáng ở đây được hiểu thí dụ như nhân công ăn cắp, không thi hành đúng trách nhiệm bổn phận giao phó, trộm thông tin “mật” của cơ quan... Chỉ trong những trường hợp như thế thì chủ doanh nghiệp mới có quyền sa thải thợ.

Theo các nhà kỹ trị trong nội các của ông Monti, điều luật này đã khiến các công ty không muốn thuê mướn lao động với hợp đồng thường xuyên, dẫn đến hình thành một hệ thống lao động không lành mạnh trong đó những lao động lớn tuổi được hưởng nhiều quyền lợi hơn so với lao động trẻ tuổi.

Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp, Bộ trưởng Lao động Italy Elsa Fornero nhấn mạnh kế hoạch cải cách lao động nói trên sẽ giúp ngăn chặn tình trạng bóc lột lao động vốn đang lan tràn bằng cách thúc đẩy các công ty ký kết hợp đồng lao động lâu dài với công nhân và hạn chế tình trạng thuê mướn lao động tạm thời.

Ngoài ra, kế hoạch này cũng khuyến khích các công ty đầu tư vào việc đào tạo kỹ năng, tay nghề cho người lao động. Đây là một kế hoạch tốt và cần thiết trong một thị trường lao động hiện đại nhằm gia tăng việc làm đặc biệt cho phụ nữ và các thế hệ trẻ, vì vậy sẽ thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao tính cạnh tranh.

Đề cập đến khả năng các công ty được tạo điều kiện thuận lợi để dễ dàng sa thải nhân công trong trường hợp kinh tế khó khăn, Bộ trưởng Fornero cho biết các biện pháp mới của chính phủ sẽ cung cấp một loạt "van an toàn" nhằm bảo vệ người lao động trong giai đoạn họ bị thất nghiệp và giúp họ tìm kiếm các công việc mới.

Giáo sư xã hội học chuyên về vấn đề lao động, ông Roberto Rizza thuộc Đại học Bologna cho rằng trên thực tế, kế hoạch cải cách lao động sắp tới của chính phủ nhằm chuyển từ bảo hộ công ăn việc làm sang bảo hộ thị trường lao động và đây là một mục tiêu mà hầu hết các nước châu Âu đang tìm cách phấn đấu thực hiện.

Tuy nhiên, liên đoàn lao động lớn nhất Italy là CGIL đã kịch liệt phản đối bất kỳ sự thay đổi nào đối với điều 18 trong bộ luật lao động. Tổ chức công đoàn này cho rằng "mục tiêu của chính phủ không phải là tìm kiếm một thỏa thuận tốt mà là tìm cách để dễ dàng sa thải người lao động."

Về phần mình, mặc dù ủng hộ kế hoạch cải cách nhưng giới chủ ngành công nghiệp cũng phần nào tỏ ý hoài nghi về các biện pháp của chính phủ theo đó buộc các công ty phải thuê mướn lao động với các hợp đồng dài hạn kèm theo là những gánh nặng về phúc lợi và an sinh xã hội.

Trong khi đó, ban lãnh đạo đảng Nhân dân Tự do (PDL) trung hữu, đảng lớn nhất ở Italy, đã tỏ ý ủng hộ kế hoạch cải cách lao động của chính phủ đồng thời cho rằng kế hoạch này phải được tiến hành ngay lập tức nhằm trấn an các thị trường quốc tế. Còn lãnh đạo đảng Dân chủ (PD) trung tả Pier Luigi Bersani đánh giá cao khả năng của Italy về việc tìm kiếm sự đoàn kết trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay.

Về phần mình, Tổng thống Italy Giorgio Napolitano đã kêu gọi toàn thể các bộ phận chính trị, xã hội tìm kiếm "một điểm chung" đồng thời nhấn mạnh rằng các biện pháp chống khủng hoảng của Chính phủ Monti là "không thể tránh khỏi" nhằm đối phó với những thách thức trong thời điểm hiện tại./.

Ngự Bình/Rome (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục