Hệ thống thông tin tích hợp quản lý biển và hải đảo

Việt Nam cần nhanh chóng thiết lập một hệ thống thông tin tích hợp, phục vụ công tác quản lý và phát triển bền vững môi trường biển.
Thiết lập hệ thống thông tin tích hợp phục vụ quản lý biển và hải đảo  là nội dung Hội thảo quốc tế về "Hệ thống thông tin phục vụ quản lý biển và hải đảo" do Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam - Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Trung tâm thu phát định vị vệ tinh Cộng hòa Pháp (CLS) tổ chức, ngày 27/3, tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh nhằm phấn đấu đưa Việt Nam trở thành “một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển” như Chiến lược Biển Việt Nam đã đề ra, trong những năm qua, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã đề ra nhiều chủ trương và chính sách quan trọng về quản lý tổng hợp, thống nhất đối với biển và hải đảo, sử dụng bền vững, hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường biển; đồng thời tăng cường và tranh thủ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, trong đó có việc xây dựng hệ thống thông tin tích hợp về biển và hải đảo để phục vụ công tác quản lý.

Để cụ thể hóa những chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung rà soát và hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách về quản lý biển, vùng bờ và hải đảo cấp quốc gia.

Đặc biệt, Bộ đang khẩn trương xây dựng Luật Tài nguyên và Môi trường biển, đồng thời nhanh chóng kiện toàn hệ thống bộ máy quản lý nhà nước về biển, vùng bờ và hải đảo từ Trung ương đến địa phương.

Trong thời gian qua, nhiều chương trình quốc gia về nghiên cứu, điều tra tài nguyên môi trường biển ở Việt Nam đã được triển khai thực hiện và đã có những đóng góp quan trọng đối với công tác quản lý biển, hải đảo.

Đặc biệt từ năm 2006 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tích cực triển khai thực hiện “Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020.”

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án là “Xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu biển Việt Nam” phục vụ việc quản lý có hiệu quả và phát triển bền vững các ngành kinh tế biển, đảm bảo an toàn, an ninh trên biển.

Theo nhận xét của phó giáo sư, tiến sỹ khoa học Nguyễn Văn Cư, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, với vùng biển rộng hơn 1 triệu km2, gồm hàng nghìn hòn đảo, nhiều quần đảo và bờ biển dài hơn 3.200km, Việt Nam có tiềm năng lớn về tài nguyên biển và đại dương phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Song các số liệu điều tra, nghiên cứu tài nguyên và môi trường biển của Việt Nam hiện nay còn phân tán và thiếu đồng bộ, chưa được quản lý và sử dụng có hiệu quả ở các Bộ, ngành và địa phương.

Do đó, ý tưởng xây dựng một hệ thống thông tin, dữ liệu tập trung, thống nhất, được chia sẻ và sử dụng rộng rãi trên nền công nghệ thông tin hiện đại do CLS đưa ra là việc làm rất cần thiết, có ý nghĩa thực tiễn to lớn đối với công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường biển, phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển và hải đảo, đồng thời bảo đảm an toàn, an ninh trên biển của Việt Nam.

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam mong muốn các Bộ, ngành có liên quan và các đối tác Pháp tiếp tục quan tâm, giúp đỡ, phối hợp và tạo điều kiện để Tổng cục hoàn thành việc xây dựng dự án hợp tác quan trọng này để giúp Việt Nam sớm có một hệ thống thông tin tích hợp về tài nguyên - môi trường biển hiện đại và đồng bộ, phục vụ thiết thực công tác quản lý biển, và hải đảo của Việt Nam, góp phần phát triển bền vững kinh tế biển, hải đảo và đảm bảo an toàn, an ninh trên biển.

Các nhà quản lý, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã trình bày 9 báo cáo chuyên sâu về hệ thống thông tin phục vụ và quản lý biển và hải đảo, tiêu biểu như nhu cầu thông tin phục vụ quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo Việt Nam; Cơ sở dữ liệu và hạ tầng thông tin quản lý biển đảo; thiết lập hệ thống thông tin tích hợp cho quản lý bền vững nguồn tài nguyên môi trường biển Việt Nam, nâng cao năng lực hiệu quả khai thác, sử dụng cơ sở hạ tầng và hạ tầng thông tin Biển Đông; Dự án hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh...

Theo đó, các đại biểu tham dự hội thảo đã thống nhất kết luận công nghệ thông tin ngày nay là công cụ cần thiết không thể thiếu, đã và đang góp phần to lớn cho sự phát triển của mỗi quốc gia nên Việt Nam cần nhanh chóng thiết lập một hệ thống thông tin tích hợp, phục vụ cho công tác quản lý và phát triển bền vững tài nguyên - môi trường biển của mình./.

Văn Hào (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục