Thành tựu hợp tác về chính trị-an ninh của ASEAN

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh đã trả lời phỏng vấn báo chí về những thành tựu hợp tác chính trị-an ninh của ASEAN.
Hợp tác chính trị-an ninh được coi là một trong 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, với mục tiêu bao trùm là bảo đảm cho các nước trong khu vực chung sống hòa bình với nhau và với thế giới bên ngoài trong một môi trường hòa bình và hòa hợp.
 
Nhân ngày ASEAN 8/8 năm nay, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh đã trả lời phỏng vấn báo chí về những thành tựu hợp tác chính trị-an ninh của ASEAN. Sau đây, Vietnam+ xin giới thiệu nội dung bài trả lời phỏng vấn báo chí của Thứ trưởng Phạm Quang Vinh:

- Xin Thứ trưởng cho biết ASEAN đã đóng góp thế nào vào hòa bình, an ninh ở khu vực thời gian qua?

Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: Trong 45 năm qua, ASEAN, cùng với khu vực Đông Nam Á, đã vượt qua những thăng trầm của lịch sử, đưa Đông Nam Á từ một khu vực vốn nghi kỵ và phân cực, trở thành một Đông Nam Á liên kết và cùng phấn đấu vì các mục tiêu chung là hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. ASEAN ngày nay, bao gồm tất cả 10 nước Đông Nam Á và đang cùng hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN vào 2015, đã có những đóng góp tích cực và được coi là nhân tố không thể thiếu đối với hòa bình, ổn định và an ninh của khu vực. Những đóng góp to lớn đó của ASEAN thể hiện trước hết ở các mặt sau:
 
Thứ nhất, với ASEAN, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác ở khu vực luôn là mục tiêu hàng đầu và bao trùm. Theo đó, ASEAN chủ trương phải bảo đảm rằng, không chỉ các nước khu vực chung sống hòa bình với nhau, mà cả các nước khác khi đến khu vực này cũng cần phải đóng góp xây dựng cho môi trường hòa bình, hợp tác và hòa hợp chung của khu vực. Chính vì vậy, hòa bình, an ninh và hợp tác phát triển luôn là những nội dung ưu tiên trong chương trình nghị sự của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài.
 
Thứ hai, ASEAN tích cực đóng góp vào việc xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử chung của khu vực, được các nước trong và ngoài khu vực công nhận và trở thành các văn kiện và công cụ quan trọng vì hòa bình và an ninh ở khu vực. Trong nỗ lực này, ASEAN luôn đề cao các nguyên tắc về tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc.

Đáng chú ý là Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC, Tuyên bố EAS về các nguyên tắc quan hệ cùng có lợi ở khu vực...

Xin đơn cử Hiệp ước TAC, hiện đã có 30 nước tham gia, trong đó có tất cả các nước lớn, các đối tác quan trọng của ASEAN, ngày nay được công nhận là văn bản điều chỉnh quan hệ và các hành vi ứng xử chung của các nước tham gia hợp tác ở khu vực.
 
Thứ ba, ASEAN ngày càng phát huy vai trò chủ đạo, định hướng xây dựng cấu trúc hợp tác khu vực về hòa bình, an ninh và phát triển, thông qua việc khởi xướng thành lập và dẫn dắt mạng lưới các tổ chức hợp tác khu vực trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác như ASEAN+1, ASEAN+3, ARF, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) và Cấp cao Đông Á (EAS).

Các diễn đàn này đã trở thành những khuôn khổ đối thoại và hợp tác hiệu quả về xây dựng lòng tin, bảo đảm hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực. Đồng thời, qua đó, ASEAN cũng ngày càng đẩy mạnh hợp tác trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác nhằm ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyển thống đang đặt ra, như biến đổi khí hậu, ứng phó thảm họa-thiên tai, chống khủng bố, an ninh biển…
 
Thứ tư, ASEAN luôn nhất quán chủ trương giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc và Hiến chương ASEAN. Theo đó, ASEAN đã có những đóng góp tích cực vào việc xử lý các điểm nóng hoặc những phức tạp nảy sinh ở khu vực.

ASEAN khẳng định ủng hộ việc xây dựng Bán đảo Triều Tiên hòa bình và không có vũ khí hạt nhân, ủng hộ đối thoại giải quyết các bất đồng, đặc biệt là thông qua đàm phán sáu bên về Bán đảo Triều tiên. Trong năm 2011, với sự đồng ý của Campuchia và Thái Lan, ASEAN cũng đã tích cực hỗ trợ hai nước này giải quyết hòa bình các tranh chấp biên giới nảy sinh.
 
Thứ năm, đáng chú ý là về vấn đề Biển Đông. ASEAN luôn khẳng định bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông là mối quan tâm chung của khu vực, theo đó ASEAN và tất cả các nước cần phải chung tay đóng góp cho các mục tiêu này; đồng thời, nhấn mạnh các nguyên tắc về thực hiện kiềm chế, không sử dụng vũ lực và giải quyết hòa bình các tranh chấp; tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982; thực hiện đầy đủ Tuyên bố DOC.

Trước những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, ASEAN đặc biệt nhấn mạnh cần sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để có thể bảo đảm hiệu quả hơn hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông. Ngày 20/7 vừa qua, ASEAN đã nhất trí thông qua Tuyên bố về 6 nguyên tắc đối với vấn đề Biển Đông, một lần nữa khẳng định các nguyên tắc nêu trên và mối quan tâm chung của ASEAN và khu vực đối với vấn đề Biển Đông.

- Xin Thứ trưởng cho biết, Việt Nam đã có vai trò và đóng góp như thế nào trong hợp tác chính trị-an ninh của ASEAN?
 
Thứ trưởng Phạm Quang Vinh:  Ngày 28/7 vừa qua, chúng ta đã kỷ niệm 17 năm Việt Nam gia nhập ASEAN (28/7/1995). Trong 17 năm qua, Việt Nam đã luôn chủ động và tích cực đóng góp vào các mục tiêu và nỗ lực chung của ASEAN, trong đó có lĩnh vực chính trị-an ninh, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực.
 
Đáng chú ý là:
 
Thứ nhất, Việt Nam đã cùng các nước tích cực thúc đẩy việc hoàn thành ý tưởng về một ASEAN bao gồm tất cả 10 nước Đông Nam Á (ASEAN-10), mở ra một chương mới cho khu vực và tạo nền tảng thiết yếu cho ASEAN trở thành một tổ chức khu vực toàn diện, liên kết sâu rộng và có vai trò quan trọng ở Đông Nam Á và Đông Á như ngày nay.

Theo đó, ngay từ khi mới tham gia ASEAN, Việt Nam đã cùng các thành viên khác của ASEAN, vượt qua những khác biệt và tồn tại do lịch sử để lại, đoàn kết đẩy mạnh hợp tác toàn diện và cùng chung tay xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Đông Nam Á. Trong thời gian này, chúng ta cũng đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN-6 năm 1998 và đã đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN nhiệm kỳ từ tháng 7/2000-7/2001.
 
Thứ hai, chúng ta đã cùng các nước thành viên ASEAN tích cực đóng góp, không ngừng củng cố và tăng cường đoàn kết và thống nhất trong ASEAN, nền tảng vị thế và sức mạnh của ASEAN, từ đó tạo điều kiện cho ASEAN ngày càng phát huy vai trò trung tâm ở khu vực và đóng góp hiệu quả vào các ục tiêu chung là hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.
 
Thứ ba, chúng ta đã chủ động đề xuất và thúc đẩy xây dựng nhiều quyết sách, định hướng quan trọng cho hợp tác ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác vì mục tiêu hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực, cũng như trong việc xây dựng và thúc đẩy các chuẩn mực ứng xử chung ở khu vực trên cơ sở các mục tiêu và nguyên tắc của ASEAN.
 
Thứ tư, Việt Nam đã tích cực đóng góp vào nỗ lực chung nhằm nâng cao và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ nội khối và giữa ASEAN với các đối tác nhằm tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin, tạo sức mạnh chung để cùng chung tay ứng phó với những thách thức đang đặt ra, nhất là các thách thức an ninh phi truyền thống (thiên tai, biến đổi khí hậu, khủng hoảng tài chính, an ninh biển, môi trường, an ninh năng lượng, lương thực, an ninh nguồn nước …).
 
Trong các nỗ lực chung nêu trên, có thể nêu một số đóng góp cụ thể, quan trọng của Việt Nam như sau: xây dựng Hiến chương và Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, trong đó có Kế hoạch tổng thể về Chính trị-An ninh; thúc đẩy việc mở rộng Hiệp ước TAC cho các nước ngoài khu vực tham gia; đẩy mạnh việc thực hiện đầy đủ Tuyên bố DOC, việc thông qua các Quy tắc thực hiện DOC và việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Điều đó càng được thể hiện rõ nét trong năm 2010, khi Việt Nam đảm nhận vai trò là Chủ tịch ASEAN, tạo dấu ấn rất có ý nghĩa trong phát triển các mặt của ASEAN và được các nước đánh giá cao.
 
Chúng ta cũng đã chủ trì bàn bạc với ASEAN và các đối tác để đưa ra nhiều quyết sách quan trọng trong năm 2010. Đáng chú ý là việc xây dựng Kế hoạch hành động Hà Nội thực hiện Tuyên bố Tầm nhìn ARF (2010); thúc đẩy ASEAN đồng thuận quyết định mở rộng Cấp cao Đông Á (EAS) cho Nga và Mỹ tham gia; vận động và chủ trì thành công Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN với các đối tác (ADMM+) lần đầu tiên ở Hà Nội; duy trì vai trò chủ đạo của ASEAN trong cấu trúc khu vực…
 
Tựu chung lại, chúng ta đã luôn thể hiện tinh thần tích cực, chủ động và trách nhiệm trong các công việc chung của ASEAN, cùng ASEAN không ngừng củng cố và thúc đẩy môi trường hòa bình, an ninh và hợp tác phát triển ở khu vực. Nhìn chung, các nước đã đánh giá rất cao vai trò chủ động tích cực của Việt Nam không chỉ trong lĩnh vực phát triển mà còn cả trong đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác của khu vực, góp phần cùng các nước trong ASEAN hướng tới một Cộng đồng ASEAN thịnh vượng vào năm 2015.
 
- ASEAN cần làm gì để tiếp tục khẳng định vai trò của mình đối với hòa bình và an ninh ở khu vực?
 
Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: Đông Nam Á và Đông Á là một khu vực có vị trí địa chiến lược quan trọng, ngày càng phát triển năng động, đang đứng trước những cơ hội lớn cho hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển, nhưng cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức. Trong tình hình đó, thời gian tới, ASEAN cần tập trung vào những việc sau đây:
 
Thứ nhất, ASEAN cần phải đẩy mạnh triển khai các mục tiêu ưu tiên của mình nhằm bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và an ninh của khu vực. Trong đó, ASEAN cần phải thực hiện hiệu quả Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN, thúc đẩy các biện pháp hợp tác, xây dựng lòng tin, ngăn ngừa xung đột, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc và Hiến chương ASEAN.
 
Thứ hai, ASEAN cần phát huy hiệu quả các công cụ, cơ chế và diễn đàn hơp tác vì hòa bình-an ninh khu vực, bảo đảm tuân thủ và thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc và thỏa thuận đã có, phát huy giá trị và hiệu lực của các công cụ như Hiệp ước TAC, Hiệp ước SEANWZ, Tuyên bố DOC, ARF, EAS, ADMM+…, cũng như tiếp tục tăng cường xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử chung của khu vực.
 
Thứ ba, ASEAN cần phải tăng cường đoàn kết và phát huy hơn nữa tiếng nói và vai trò chủ đạo, trách nhiệm của mình trước các vấn đề thuộc lợi ích chung của ASEAN và khu vực, cũng như trước những diễn biến có thể ảnh hưởng tới hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực, trong đó có về vấn đề Biển Đông. Đây là trách nhiệm nặng nề, nhưng cũng chính là điều kiện để ASEAN có thể phát huy vai trò trung tâm và không thể thiếu đối với hòa bình, ổn định và an ninh của khu vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục