Cần nỗ lực gấp đôi để đạt mục tiêu chống HIV/AIDS

Liên hợp quốc kêu gọi các nước hành động “táo bạo” để đạt được mục tiêu tới năm 2015 không còn trẻ em bị lây nhiễm HIV/AIDS.
Ngày 12/6, Liên hợp quốc kêu gọi các nước và tổ chức quốc tế nỗ lực gấp đôi để thực hiện thành công các mục tiêu mới vừa được thông qua trong Tuyên bố chính trị của Hội nghị cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc về HIV/AIDS.

Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khoá 65 Joseph Deiss đã kêu gọi các nước hành động “dũng cảm và táo bạo” để thực hiện thành công các mục tiêu mới đầy tham vọng, đặc biệt là mục tiêu tới năm 2015 không còn trẻ em bị lây nhiễm và đảm bảo được sự sống của các bà mẹ.

Ông kêu gọi các nước châu Phi đã thông qua Tuyên bố và Khuôn khổ hành động Abuja chống HIV/AIDS đáp ứng mục tiêu dành ít nhất 15% ngân sách quốc gia hàng năm để cải thiện và tăng cường chăm sóc y tế cho người dân.

Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng nhấn mạnh, mục tiêu phổ cập tiếp cận hỗ trợ, chăm sóc, điều trị và ngăn chặn HIV/AIDS vào năm 2015 là rất cấp thiết để thế giới thực hiện thành công tầm nhìn “Ba không” là không còn ca lây nhiễm HIV, không còn phân biệt đối xử vì HIV/AIDS và không còn ca tử vong liên quan đến HIV.

Các nước cần nhanh chóng thực hiện các cam kết, tăng cường đoàn kết toàn cầu để hướng tới mục tiêu loại trừ hoàn toàn căn bệnh HIV/AIDS.

Nhà khoa học Francoise Barré-Sinoussi, người đã phát hiện virus HIV, chủ nhân của Giải Nobel Y học năm 2008, đã kêu gọi các nước và cộng đồng quốc tế hòa nhập phản ứng toàn cầu trong phòng chống HIV/AIDS vào các chương trình y tế rộng lớn hơn, tận dụng mọi cơ hội để nạn nhân HIV được tiếp cận các dịch vụ y tế.

Theo bà Sinoussi, điều cấp bách là tăng cường các mô hình điều trị đã có hiệu quả để tối ưu hóa các chế độ chăm sóc y tế lâm sàng và mở rộng quy mô của các dịch vụ này để điều trị các bệnh khác như lao phổi và sốt rét.

Bà kêu gọi các nhà sinh vật học và các nhà nghiên cứu thúc đẩy mạnh mẽ việc nối kết tác động giữa các nghiên cứu HIV/AIDS với các vấn đề y tế khác.

Trong nhiều năm qua, thuốc điều trị HIV/AIDS đã trở nên thiết yếu trong điều trị bệnh viêm gan B và cho thấy nhiều hứa hẹn trong điều trị viêm gan C. Nhiều công cụ mới và các kỹ thuật đặc biệt được sử dụng trong điều trị HIV/AIDS cũng đang hữu dụng trong các lĩnh vực y tế khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục