Xóa đói nghèo - điều kiện tiên quyết để phát triển

Báo cáo của FAO khẳng định, để phát triển bền vững đòi hỏi tình trạng đói nghèo và suy dinh dưỡng phải được giải quyết triệt để.
Cơ quan Lương Nông Liên hợp quốc ngày 1/6 đã công bố báo cáo nhan đề “Hướng tới tương lai nhân loại mong muốn: Xóa đói nghèo và chuyển nhanh sang hệ thống lương nông bền vững" trước thềm Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về phát triển bền vững (Rio+20) dự kiến khai mạc tại Brazil vào ngày 20/6.

Báo cáo của FAO khẳng định xóa đói nghèo và phát triển bền vững là hai nhân tố gắn bó mật thiết với nhau, do đó để phát triển bền vững đòi hỏi tình trạng đói nghèo và suy dinh dưỡng trên thế giới phải được giải quyết triệt để thông qua việc quản lý hiệu quả hơn hệ thống lương thực và nông nghiệp.

Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc dẫn phát biểu của Tổng Giám đốc FAO José Graziano da Silva nhấn mạnh việc tăng cường hệ thống lương, nông đóng vai trò quan trọng sống còn để xây dựng thế giới trong đó cả con người và hệ sinh thái đều "khoẻ mạnh".

Ông Silva nêu rõ một trong những khiếm khuyết lớn nhất của hệ thống lương, nông hiện nay là hàng trăm triệu người trên thế giới vẫn bị đói do thiếu phương tiện sản xuất hoặc không đủ khả năng mua lương thực bất chấp những tiến bộ đã đạt được trong sản xuất lương thực.

Hiện nay trên thế giới, cứ 7 người lại có một người là nạn nhân của suy dinh dưỡng. Do đó, an ninh lương thực vẫn đang là một trong những thách thức mà nhân loại cần giải quyết để có thể xây dựng tương lai bền vững. Hội nghị Rio+20 là cơ hội vàng hội tụ các chương trình nghị sự về an ninh lương thực và phát triển bền vững để đảm bảo tương lai bền vững.

Báo cáo của FAO chuẩn bị cho Rio+20 cũng kêu gọi các nước thiết lập và bảo vệ các quyền tiếp cận và sử dụng các nguồn tài nguyên, đặc biệt đối với người nghèo, kết hợp các động lực thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trong hệ thống lương, nông. Báo cáo cũng khuyến cáo các nước thúc đẩy các thị trường lương nông công bằng và hoạt động tốt, giảm nguy cơ và tăng sức bật chống đói nghèo của những người nghèo và dễ bị tổn thương, đầu tư các nguồn lực vào các tài sản công thiết yếu, đặc biệt là đổi mới cơ sở hạ tầng.

Nông dân các nước đang phát triển hiện đang điều hành sản xuất lương thực ở 500 triệu trang trại nhỏ và họ đang phải đối mặt với những hạn chế sử dụng các nguồn tài nguyên khác nhau do không được tiếp cận đầy đủ lương thực và dinh dưỡng. Các hệ thống lương, nông sử dụng rất nhiều các nguồn tài nguyên, trong đó hệ thống lương thực tiêu thụ 30% các nguồn năng lượng toàn cầu, khu vực trồng trọt và chăn nuôi sử dụng tới 70% nguồn nước của thế giới.

Báo cáo của FAO cũng nhấn mạnh dân số đang gia tăng nhanh trên toàn cầu hoàn toàn có thể được cung cấp lương thực đầy đủ nếu các quyết định chính sách táo bạo được thực hiện để người nghèo có thêm nhiều cơ hội tiếp cận các nguồn lương thực, giảm lãng phí lương thực cũng như thực hiện các cách thức sử dụng nông nghiệp phục vụ các mục đích phi lương thực.

Hiện nay, hàng năm có khoảng 1,3 tỷ tấn lương thực bị lãng phí, chiếm 1/3 sản lượng lương thực được tiêu thụ trên toàn cầu. Do đó, các nước cần có những quyết định đúng đắn trong viêck quản lý và quản trị các hệ thống lương nông của thế giới, đặc biệt là giải quyết tốt các mục tiêu hàng đầu như vấn đề đất đai, nguồn nước, sự cạn kiệt nguồn dinh dưỡng của đất, khí thải gây hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm và suy thoái của hệ sinh thái./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục