Cần một hợp đồng xã hội mạnh để tăng toàn cầu hóa

UNCTAD đã kêu gọi các nền kinh tế thế giới cần một hợp đồng xã hội mạnh mẽ hơn nữa để tăng cường quá trình toàn cầu hóa.
Ngày 8/3, tại diễn đàn Hội nghị Kinh tế quốc tế diễn ra ở Berlin, Đức, Tổng Thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về buôn bán và phát triển (UNCTAD) Supachai Panitchpakdi đã kêu gọi các nền kinh tế thế giới cần một hợp đồng xã hội mạnh mẽ hơn nữa để tăng cường quá trình toàn cầu hóa.

Sự phân công lao động ngày càng phức tạp gắn với toàn cầu hóa đòi hỏi một hợp đồng xã hội ngày càng mạnh trên cơ sở nền tảng chính trị và đạo đức vững chắc để đảm bảo phát triển bền vững và phổ quát.

Ông Supachai Panitchpakdi lưu ý rằng trong thập kỷ qua, việc xây dựng những cây cầu quốc tế nối kết các lĩnh vực kinh tế và xã hội ngày càng khó khăn do thiếu lòng tin và mục tiêu chung giữa những đối tác trong nền kinh tế thế giới.

Các thể chế và các thị trường tài chính quốc tế đã trở thành chủ nhân hơn là người phục vụ các nền kinh tế thế giới, làm biến dạng buôn bán và đầu tư, đẩy mức độ bất bình đẳng tăng cao. Sự phụ thuộc quá mức vào những động lực thị trường, đặc biệt là tài chính trong 3 thập kỷ qua tuy đã đẩy nhanh liên kết, khuyến khích đổi mới, nhưng cũng dẫn đến một thế giới mất cân bằng hơn và có nguy cơ bất ổn định.

Những nỗ lực tích cực của cộng đồng quốc tế như của Nhóm G20 gồm các nền kinh tế phát triển và đang phát triển hàng đầu nhằm nối kết các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế đang nổi lên, có thể giúp tái cân bằng nền kinh tế thế giới theo hướng bền vững và công bằng. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế cần hành động tập thể cùng với hợp đồng toàn cầu mới cũng như sự đồng thuận toàn cầu mới về các giá trị then chốt và những nguyên tắc thúc đẩy các hành động kinh tế bền vững.

Tổng Thư ký UNCTAD nhấn mạnh, việc xây dựng những cây cầu nối kết các lĩnh vực kinh tế và xã hội cũng như các nền kinh tế phát triển và đang phát triển cần phải được tiến hành đồng thời bởi những hành động chính trị và đạo đức, trong đó công dân có tiếng nói lớn hơn, an ninh hơn và công bằng hơn.

Đặc biệt, tiếng nói của các tổ chức xã hội dân sự phải được coi trọng trong quá trình thực hiện những biện pháp vượt qua các thách thức phát triển bền vững, hoạch định các quy chế tài chính cũng như những chính sách về buôn bán và đầu tư./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục