"Năng nhân" thật từ đâu?

Đảo lộn học thuyết khởi nguồn của loài người

Phát hiện về dấu tích loài người cổ đại gần đây tại Gruzia đang làm làm đảo lộn học thuyết khởi nguồn của loài người là ở châu Phi.
Từ lâu nay giới khoa học luôn cho rằng tổ tiên của loài người ở châu Phi cách ngày nay 1 triệu năm. Thế nhưng, những phát hiện về dấu tích loài người cổ đại gần đây tại vùng Dmanisi của Gruzia đang làm làm đảo lộn học thuyết khởi nguồn của loài người là ở châu Phi, sau đó mới phân tán ra khắp toàn cầu.

Thậm chí, biểu đồ miêu tả sự tiến hóa của con người cũng có thể sẽ phải vẽ lại.

Phát hiện mới về tổ tiên loài người

Vài năm trước, tại khu vực khảo cổ ở Dmanisi, một vùng nông thôn dưới chân núi Kavkaz cách Thủ đô Tbilisi của Gruzia khoảng 150km về phía Tây Nam, các nhà khảo cổ đã lần lượt tìm thấy 5 bộ xương sọ, một xương hàm hóa thạch khá hoàn chỉnh của người nguyên thủy.

Sau nhiều năm nghiên cứu, các chuyên gia khảo cổ cho rằng những bộ xương hóa thạch này có từ cách đây khoảng 1,8 triệu năm về trước, là dấu tích tổ tiên loài người cổ đại nhất được phát hiện ngoài lục địa châu Phi.

Điều khiến các nhà khoa học khảo cổ ngạc nhiên hơn là họ còn phát hiện một số dấu tích của tổ tiên loài vượn cổ, nếu so với dấu tích “Người đứng thẳng” (Homo erectus) được phát hiện tại châu Phi trước đó còn nguyên thủy hơn rất nhiều.

“Người đứng thẳng” được cho là đợt con người đầu tiên di cư khỏi châu Phi cách đây một triệu năm, họ đã có và biết sử dụng các đồ dùng bằng đá khá tinh vi.

Hoài nghi tổ tiên loài người ở châu Phi

Từ những phát hiện mới trên, tại một cuộc hội thảo khoa học mới đây diễn ra ở Anh quốc, không ít chuyên gia khảo cổ cho rằng châu Phi có thể không phải là “cái nôi” duy nhất của loài người và một giải thiết mới được đưa ra: Tổ tiên của loài người có thể đã từng “quá độ” ở lục địa Âu, Á trong một khoảng thời gian khá dài rồi mới đến châu Phi và dần dần tiến hóa thành “Người đứng thẳng” như con người hiện nay, sau đó mới vượt ra khỏi châu Phi tìm đến các lục địa khác.

Giám đốc Viện Bảo tàng quốc gia Gruzia, Giáo sư David Lordkipanidze cho biết những phát hiện về người cổ đại ở vùng Dmanisi (“Người Dmanisi”) cho thấy “Người Dmanisi” khá nhỏ, não bộ cũng rất nhỏ, thể tích chỉ khoảng 600 mm3, bằng 40% não bộ “Người đứng thẳng” và chỉ bằng 1/3 não bộ của con người hiện đại ngày nay. Chi dưới của “Người Dmanisi” rất giống với con người, nhưng chi trên vẫn khá nguyên thủy, họ chỉ biết sử dụng những đồ đá nguyên thủy.

"Người Dmanisi” so với “Người đứng thẳng” cũng thấp hơn rất nhiều, chiều cao của họ chỉ khoảng từ 1,4 - 1,5m. Điều thú vị là chi dưới, hệ thống gân cốt rất giống với con người, xem ra có vẻ là những người chạy bộ rất giỏi.

Thế nhưng phương thức vung tay của họ không giống với con người hiện đại. Giáo sư David Lordkipanidze khẳng định “Người Dmanisi” có năng lực xã hội và tri thức nhất định, bởi vì qua nghiên cứu 5 bộ xương sọ hóa thạch đã cho thấy, có một người trong đó khi sinh ra không có răng, nhưng vẫn có thể sống nhiều năm sau, điều này chứng tỏ họ đã sống trong một “tổ chức xã hội” và biết chăm sóc lẫn nhau.

Dẫn đến sự thay đổi thú vị

Trước khi có được những phát hiện này, giới khảo cổ phổ biến cho rằng tổ tiên của loài người là ở lục địa châu Phi và bắt đầu bước ra khỏi lục địa châu Phi cách đây khoảng 1 triệu năm về trước. Khi đó, họ đã có những dụng cụ bằng đá khá tinh vi và khả năng tính toán của não bộ cũng như tỷ lệ tứ chi đã khá phát triển.

Còn những phát hiện mới đây tại Dmanisi là hoàn toàn khác, có thể “Người Dmanisi” là tổ tiên của “Người đứng thẳng” châu Phi và như vậy “Người Dmanisi” là đại diện cổ đại nhất của loài người hiện nay.

Giáo sư David Lordkipanidze khẳng định nếu như dấu tích hóa thạch của “Người Dmanisi” được phát hiện từ 40 năm trước (khi phát hiện ra dấu tích tổ tiên loài người tại châu Phi), chắc chắn “Người Dmanisi” sẽ được coi là “Năng nhân” (Homo Habilis - tổ tiên của loài người hiện nay).

Não bộ của “Người Dmanisi” quá nhỏ, hốc mắt không giống với “Người đứng thẳng”, nhưng răng của họ rất giống với “Người đứng thẳng”.

Đáng tiếc, trước khi phát hiện ra “Người Dmanisi”, mọi người đã phát hiện “Năng nhân” cổ đại ở châu Phi cách ngày nay khoảng 1,6 đến 2,5 triệu năm về trước và biết sử dụng công cụ bằng đá đơn giản. Nếu không, tổ tiên của loài người có thể đã được coi là ở lục địa Âu, Á.

Và biểu đồ mới về sự tiến hóa của loài người

Các chuyên gia khảo cổ Gruzia cho rằng “Người Dmanisi” sinh sống cách đây khoảng 1,8 triệu năm về trước, có thể là thời đại giữa “Người đứng thẳng” và “Năng nhân.”

Còn Giáo sư David Lordkipanidze coi “Người Dmanisi” là “Người đứng thẳng” và đưa ra giả thuyết “Năng nhân” từng sinh sống ở châu Phi, sau đó rời khỏi châu Phi sang sinh sống ở lục địa Âu, Á trong một khoảng thời dài rồi quay trở lại châu Phi và phát triển thành “Người đứng thẳng”. Sau đó, “Người đứng thẳng” phân tán sinh sống trên khắp toàn cầu và phát triển triển thành “Người trí tuệ” hiện nay.

Vì thế có thể lập biểu đồ phát triển của con người ngược trở lại như sau:

- “Người trí tuệ” (Homo sapiens) là con người hiện đại ngày nay, có não bộ phát triển cao

- “Người đứng thẳng” (Homo erectus) là tổ tiên của người hiện đại ngày nay, sinh sống cách ngày nay khoảng từ 300.000 năm đến 2 triệu năm về trước và là con người sớm nhất của thời kỳ đồ đá.

- “Năng nhân” (Homo habilis) là sinh vật đầu tiên được coi là con người trong danh mục động vật linh trưởng, sinh sống cách ngày nay khoảng từ 2 triệu năm đến 2,5 triệu năm về trước.

- “Vượn cổ phía Nam châu Phi” (Australopithecus africanus) là tổ tiên của “Năng nhân”, xuất hiện sớm nhất cách ngày nay khoảng 3,9 triệu năm về trước, chiều cao chỉ khoảng 1m./.

Bùi Xuân Tuấn/Hongkong (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục