Màu đỏ ảm đạm lại bao phủ chứng khoán toàn cầu

Tiếp nối màu đỏ đêm trước (22/3) trên Phố Wall, các thị trường chứng khoán châu Á cũng hầu như chìm trong sắc đỏ phiên cuối tuần 23/3.
Tiếp nối màu đỏ đêm trước (22/3) trên Phố Wall do những số liệu kinh tế yếu kém từ Trung Quốc và châu Âu, các thị trường chứng khoán châu Á cũng hầu như chìm trong sắc đỏ ngay từ những phút giao dịch đầu tiên của phiên cuối tuần 23/3.

Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải mở cửa mất ngay 0,50% (tương đương giảm 11,98 điểm), xuống 2.363,79 điểm, sau khi có báo cáo cho biết sản xuất công nghiệp của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong tháng Ba này tiếp tục sụt giảm tháng thứ tư liên tiếp, sau khi xuất khẩu đã sụt giảm mạnh.

Tương tự tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng mở cửa cũng mất ngay 1% (-208,20 điểm) về 20.693,36 điểm.

Tại Nhật Bản, các nhà đầu tư cũng không còn giữ được tâm lý lạc quan trước những số liệu xấu từ nền kinh tế láng giềng Trung Quốc và khả năng đồng yên lại có thể tăng cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận của các nhà xuất khẩu Nhật Bản. Chỉ số Nikkei 225 mở cửa để mất 1,06%, tương đương giảm 107,41 điểm, xuống 10.019,67 điểm.

Đêm trước (22/3) tại Phố Wall, chứng khoán Mỹ cũng đỏ sàn vì những mối lo từ Trung Quốc và châu Âu, bất chấp những số liệu kinh tế khá sáng sủa ở thị trường trong nước. Các nhà đầu tư Mỹ dường như đã "phớt lờ" những số liệu tích cực của nền kinh tế trong nước, như lợi nhuận của các doanh nghiệp hay lượng người đăng ký thất nghiệp lần đầu trong tuần qua đã hạ xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, để tập trung sự lo ngại vào những số liệu kinh tế ảm đạm từ Trung Quốc và châu Âu.

Đóng cửa phiên 22/3, cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều giảm điểm, trong đó Dow Jones Industrial Average lùi 78,48 điểm (-0,60%) về 13.046,14 điểm; S&P 500 mất 10,11 điểm (-0,72%) về 1.392,78 điểm và Nasdaq hạ 12 điểm (-0,39%) xuống 3.063,32 điểm.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, chứng khoán châu Âu cùng ngày cũng ngập trong sắc đỏ khi thị trường tiếp tục đón nhận những số liệu kinh tế ảm đạm từ khu vực Eurozone, cho dù ngay trước đó vẫn chưa bình tâm trước tin xấu từ kinh tế Trung Quốc.

Theo số liệu mới nhất, chỉ số quản lý thu mua (PMI) - thước đo hoạt động công nghiệp chủ chốt của một nền kinh tế - của khu vực tư nhân trong khối Eurozone trong tháng Ba này đã giảm mạnh hơn dự kiến, xuống mức 48,7 điểm, cho thấy nền kinh tế khu vực này tiếp tục co lại mạnh hơn trong tháng Ba. Ngoài ra, cuộc tổng bãi công tại Bồ Đào Nha cùng số liệu cho thấy Iceland đã rơi trở lại suy thoái càng làm đám mây đen bao phủ trên bầu trời châu Âu trĩu nặng hơn.

Cả ba chỉ số chính của châu Âu đều giảm điểm, trong đó FTSE 100 của London giảm 0,79% xuống 5.845,65 điểm; DAX 30 của Đức mất 1,27% xuống trở lại dưới mức 7.000 điểm, về 6.981,26 điểm, và CAC-40 của Pari sụt 1,56% xuống 3.472,46 điểm./.

Thùy Chi (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục