Chính phủ Tây Ban Nha bác tin đồn khả năng vỡ nợ

Ngày 7/4, Chính phủ Tây Ban Nha đã bác tin đồn nước này sẽ "nối gót" Bồ Đào Nha đề nghị cứu trợ để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công.
Ngày 7/4, Chính phủ Tây Ban Nha đã bác bỏ tin đồn nước này sẽ "nối gót" Bồ Đào Nha đề nghị cứu trợ để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công.

Phát biểu trên Đài Phát thanh Quốc gia Tây Ban Nha, Bộ trưởng Tài chính Elena Salgado khẳng định Tây Ban Nha hoàn toàn không chịu tác động từ quyết định xin cứu trợ vỡ nợ của Bồ Đào Nha vì nền kinh tế "xứ sở Bò tót" lớn, đa dạng và có năng suất cao hơn nước láng giềng Bồ Đào Nha. Hơn nữa Tây Ban Nha cũng đang tiến hành các cải cách kinh tế ở "mức độ sâu rộng hơn" và với "tốc độ nhanh hơn" Bồ Đào Nha. Tây Ban Nha là nền kinh tế lớn thứ tư trong Khu vực đồng euro.

Chia sẻ lập trường đó, Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) Angel Gurria cho rằng việc "đánh đồng" Tây Ban Nha với những nước có mức nợ công cao như Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Ireland là không chính xác và không công bằng. Ông Gurria còn nêu rõ Tây Ban Nha sẽ không gặp phải những vấn đề tương tự như Bồ Đào Nha.

Phát ngôn viên Ủy ban Kinh tế thuộc Ủy ban châu Âu, Amadeu Altafai, cũng tỏ ý tin tưởng rằng Tây Ban Nha sẽ thực hiện được các mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách trong năm 2010 và 2011, bất chấp những khó khăn kinh tế.

Chuyên gia Jesus Castillo thuộc Ngân hàng Natixis cho biết dựa trên các tiêu chí về cải cách kinh tế, tình hình chính trị và mức nợ công, tình hình ở Tây Ban Nha hoàn toàn khác với Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, trong trung hạn, Tây Ban Nha vẫn còn trong tình trạng kinh tế "mong manh," đòi hỏi Chính phủ nước này phải cân bằng các hoạt động tài chính công.

Kinh tế Tây Ban Nha liên tục "giảm tốc" lần lượt 3,7% và 0,1% trong năm 2009 và 2010 sau hơn một thập kỷ tăng trưởng nhờ sự bùng nổ của thị trường bất động sản. Kinh tế suy giảm dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt và đã lên mức 20,33% vào cuối năm ngoái, mức cao nhất trong các nước OECD.

Chính phủ Tây Ban Nha đặt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách từ 11,1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2009 xuống dưới mức trần 3% GDP theo quy định của EU vào năm 2013. Để đáp ứng mục tiêu này, Madrid đang thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt nhằm giảm chi tiêu, cải cách thị trường lao động, chế độ tiền lương và khu vực ngân hàng.

Trong một diễn biến khác, liên quan tới tình hình khủng hoảng nợ công của Bồ Đào Nha, ngày 8/4, bộ trưởng tài chính các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhóm họp tại Godollo, ngoại ô thủ đô Budapest (Hungary) nhằm thảo luận về gói cứu trợ trị giá nhiều tỷ USD dành cho Bồ Đào Nha sau khi chính phủ nước này chính thức gửi văn bản đề nghị giúp đỡ.

Theo kế hoạch, các bộ trưởng tài chính EU sẽ thảo luận cả về kỳ hạn và quy mô của khoản cứu trợ dành cho Lisbon.

Dự kiến 2/3 ngân sách trong gói cứu trợ này sẽ được trích từ quỹ của EU, số còn lại sẽ do Quý Tiền tệ Quốc tế (IMF) gánh vác. Mặc dù chưa tiết lộ chính xác số tiền sẽ chi ra là bao nhiêu, song EU dự đoán khoản cứu trợ quốc tế để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ tại Bồ Đào Nha có thể lên tới 80-85 tỷ euro.

Bồ Đào Nha đã trở thành "nạn nhân" thứ ba trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), sau Hy Lạp và Ireland phải cầu viện quốc tế cứu trợ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục