CG 2011: Đồng thuận cao để vượt qua khó khăn

Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam khẳng định WB cùng các đối tác phát triển khác sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam để đạt được các mục tiêu.
Chiều 7/12, Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) 2011 đã kết thúc sau một ngày làm việc hết sức khẩn trương, với cam kết mạnh mẽ của cộng đồng các nhà tài trợ dành cho sự phát triển của Việt Nam.

Các đối tác phát triển cam kết dành 7,386 tỷ USD vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để giúp Việt Nam ổn định kinh tế vĩ mô và tập trung vào các khía cạnh quan trọng của phát triển bền vững.

Phát biểu bế mạc hội nghị, bà Victoria Kwakwa-Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhấn mạnh các đại biểu tham dự hội nghị CG lần này đã có những thảo luận, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm hết sức hữu ích khẳng định cam kết của cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ Việt Nam. Các nhà tài trợ đã đưa ra những khuyến nghị, lời khuyên đối với chính phủ Việt Nam đã tiếp tục thực hiện cải cách kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

“Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang xấu đi, thì bây giờ là lúc để hành động, là thời điểm để nắm bắt những cơ hội để Việt Nam thành công hơn, ngay cả với những thách thức của nội tại nền kinh tế,” bà Victoria Kwakwa nói.

Bà Victoria Kwakwa cũng nhấn mạnh cần duy trì những kết nối về thông tin giữa các nhà tài trợ quốc tế và chính phủ Việt Nam tại các Hội nghị CG để tăng cường đối thoại, hợp tác cùng phát triển.

Bà Victoria Kwakwa lưu ý Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đến lĩnh vực đầu tư công trên cơ sở phân tích về tài chính, kinh tế một cách hợp lý. Ngoài ra, chính phủ cần phải quan tâm đến chất lượng và hiệu quả của các công trình, dự án đầu tư công.

Bà cũng khẳng định WB cùng các đối tác phát triển khác sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam để đạt được các mục tiêu và hoan nghênh chương trình tái cơ cấu của chính phủ trên con đường phát triển kinh tế-xã hội.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đánh giá cao những ý kiến đóng góp thẳng thắn và quý báu của các đối tác phát triển; cảm ơn cộng đồng các nhà tài trợ trong thời gian qua đã dành cho Việt Nam sự hỗ trợ to lớn.

Riêng cam kết 7,386 tỷ USD của năm 2012 là con số hết sức tích cực trong bối cảnh khủng hoảng nợ công đang rất phức tạp, khẳng định sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với các nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện cải cách kinh tế-xã hội.

Chính phủ Việt Nam khẳng định tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng theo mô hình nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế, chú trọng phát triển kinh tế xanh đi đôi với công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Bước vào năm 2012, chính phủ Việt Nam quyết tâm đẩy mạnh các chương trình tái cơ cấu kinh tế và sẵn sàng tiếp nhận các đóng góp quý báu về tinh thần và vật chất của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế.

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành hữu quan của Việt Nam và các đối tác phát triển đã thảo luận nhiều vấn đề kinh tế-xã hội quan trọng mà Việt Nam phải đối mặt khi bước vào giai đoạn phát triển mới, bao gồm cả cơ hội và thách thức, trong đó tập trung vào các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường quản trị nhà nước, giảm thiểu tham nhũng, phát triển bền vững, cũng như tương lai của quan hệ đối tác phát triển.

Mặc dù Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ trong ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục đà tăng trưởng, nhưng các đối tác phát triển cũng bày tỏ quan ngại về tình hình bất ổn gia tăng của nền kinh tế đồng thời đưa ra một số giải pháp khuyến nghị, như củng cố kỷ luật tài chính, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và tăng cường cái cách doanh nghiệp nhà nước, chuyển đổi từ quản lý kinh tế bằng cách biện pháp hành chính sang điều tiết theo thị trường.

Vấn đề về phòng chống tham nhũng, nạn buôn người... cũng được quan tâm thảo luận tại hội nghị lần này.

Đại diện Chính phủ và các đối tác phát triển cũng đã thảo luận về vấn đề an sinh xã hội, việc chăm lo cho những nhóm thứ yếu (người nhập cư, vùng dân tộc thiểu số…) cũng như các chương trình, dự án để đảm bảo phát triển kinh tế xanh đi đôi với đảm bảo các chính sách giảm thiểu HIV/AIDS, giáo dục và việc làm... Các đại biểu cũng nhất trí về mối quan hệ đối tác mới để ODA tiếp tục đóng góp hiệu quả hơn cho Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 5 năm 2011-2015 năm đã được Quốc hội Việt Nam thông qua.

Trong phiên thảo luận về các động lực giảm nghèo mới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định trong giai đoạn 5 năm, Việt Nam sẽ thực hiện 16 chương trình mục tiêu ưu tiên, trong đó chương trình về phòng chống HIV/AIDS là một chương trình riêng, cho thấy quyết tâm của chính phủ Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề này.

Bên cạnh đó, chính phủ Việt Nam và cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế cũng nhất trí sẽ đối thoại về phòng chống tham nhũng mỗi năm 1 lần, ngay trước thềm Hội nghị CG để cùng nhau đánh giá lại những việc đã làm được cũng như đưa ra các biện pháp để giải quyết vấn nạn này.

Các đối tác phát triển cam kết sẽ nỗ lực thúc đẩy hiệu quả viện trợ vì sự phát triển bền vững của Việt Nam, giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và mục tiêu phát triển vào năm 2015.

Tại cuộc họp báo kết thúc hội nghị, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết giải ngân nguồn vốn ODA tăng dần qua các năm. Nếu như năm 2010, giải ngân ODA của Việt Nam đạt 2,941tỷ USD, thì sang năm 2011, sau 11 tháng đã đạt 3,2 tỷ USD. Dự kiến, hết năm 2011, mức giải ngân ODA sẽ đạt khoảng trên 3,6 tỷ USD./.
Như vậy, đến nay, tổng nguồn vốn ODA kể cả số vốn cam kết tại hội nghị lần này, lên tới hơn 71 tỷ USD. Nguồn tài trợ ngày càng tăng qua các năm với nội dung, đối tượng, cơ cấu vốn thay đổi phù hợp với yêu cầu phát triển Việt Nam, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Việt Nam trong những năm qua.
Khánh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục