Nỗi khổ của con cái với phụ huynh "độc tài"

Đặt quá nhiều kỳ vọng vào con, muốn con thực hiện được những ước muốn mà mình chưa đạt được đã biến nhiều cha mẹ thành "độc tài"
“Cuối tuần này, anh em con không được đi SaPa mà phải về Thanh Hóa thăm vợ chồng chú Khương đấy. Bố sắp sẵn quà rồi!”, câu mệnh lệnh của ông Lê Văn H. (Yên Phụ, Hà Nội) làm cho kế hoạch đi chơi SaPa của hai cậu con trai T, V bị đổ vỡ. T. bực bội đá chân giường còn V. mặt tiu ngỉu, buồn thiu chấp nhận vì anh đã quen với sự áp đặt của bố, có giải thích hay vùng vằng cũng chẳng thay đổi được…

Mặc dù phải thừa nhận là con cái ngày nay năng động và có tính tự lập hơn mình trước kia nhưng giống như ông H, nhiều bậc phụ huynh vẫn không bỏ thói quen áp đặt cách sống của mình lên con.

Con hay của để dành?

Với suy nghĩ con cái là “của để dành” của mình nên nhiều bậc phụ huynh đã đầu tư tất cả vào con. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến đa số các bậc cha mẹ ở Việt Nam hiện nay vẫn cố “nắn” con theo cách sống của mình.
 
Ông Nguyễn Văn Kh. (Phương Mai, Hà Nội) là một ví dụ điển hình. Con trai đã 24 tuổi, đi làm được hai năm. Tuy nhiên, 24 năm qua, mọi đường đi nước bước của con đều phải theo ý của ông.

Bắt đầu là việc ông “đặt” con học trong các trường danh tiếng. Khi vào đại học, con trai thích học mỹ thuật do anh có khiếu vẽ nhưng ông nhất quyết bắt con phải học ngành ngân hàng. Ra trường, đi làm, tưởng như có thể được tự chủ trong cuộc sống của mình nhưng “số phận” anh vẫn trong tay người bố độc đoán.

Anh đã yêu một người cùng tuổi được hai năm. Khi thấy đã đến lúc cần kết hôn, anh thưa chuyện với cha mẹ nhưng bị cha gạt phăng đi. Ông cho rằng con trai phải 30 tuổi lấy vợ mới chững chạc. Mặc anh phân tích thế nào ông cũng không nghe. Không chờ được, người yêu anh đã đi lấy chồng.

Bên cạnh đó, một số trường hợp, cha mẹ quan niệm con mình lúc nào cũng “non nớt” nên luôn phải “dắt tay chỉ việc” và suy nghĩ hộ chúng.

Chị Nguyễn Thị V. (Trương Định, Hà Nội) có con gái đang học lớp 9. Mặc dù chưa hết năm học nhưng anh chị đã chọn sẵn trường cấp 3 có tiếng để con thi vào. Con gái chị không thích trường bố mẹ chọn với lý do sợ mình không đủ khả năng, hơn nữa nhóm bạn thân không đứa nào thi trường đó. Ý kiến của con chị chỉ được đáp lại bằng một câu: “Mày biết gì, trẻ con không nghĩ được dài nên đừng có cãi”…

Với những đứa trẻ, tần số áp đặt của cha mẹ lên chúng càng nhiều hơn.

Dù đứa con trai 5 tuổi của mình còn thích xem phim hoạt hình nhưng chị Dung (Nguyên Hồng, Hà Nội) nhất quyết tắt tivi, bắt con đi ngủ lúc tám giờ tối. Khi bé đòi ăn mì tôm chị cũng không cho với lý do ăn mì tôm bị nóng. Bé muốn ra ngõ đá bóng với bạn, chị lại ép con ngồi chơi trong nhà để không bị xe xô vào. Đi siêu thị, thích chiếc áo đỏ đẹp cậu bé xin mẹ mua. Tuy nhiên, chị lại muốn cho con mình sớm mang phong cách “đàn ông” nên cũng từ chối (chị quan niệm màu đỏ là thứ màu đồng bóng dành cho con gái)...

Chưa kể đến nhiều cha mẹ có xu hướng bắt các con thực hiện ước muốn của mình như bắt học đàn piano, múa, vẽ... cho dù trẻ không có năng khiếu hoặc không thích.

Có nên “sống hộ” cho con?

Hàng trăm những câu chuyện như trên vẫn diễn ra thường ngày. Các bậc phụ huynh không biết hoặc không cần biết rằng mình đang áp đặt cho con cái. Điều tưởng chừng bình thường đó đã ảnh hưởng không ít đến sự phát triển và tương lai của trẻ.

Em Phan Văn Q. (Phùng Khoang, Hà Nội) đã bỏ kì thi đại học năm vừa qua để phản đối việc bố mẹ bắt em thi trường mình không thích. Lỡ một năm học, vất vưởng ở nhà, ngày đêm em mải mê các trò chơi điện tử mặc bố mẹ ngăn cấm. Bước ra từ quán Internet, mắt còn đỏ hoe, em phờ phạc tâm sự: “Em muốn bố mẹ hiểu, em không phải là cái máy để bố mẹ cài đặt sẵn chương trình, chỉ việc ấn nút là chạy”.

Giống như Q, nhiều trường hợp con đã phản ứng lại sự áp đặt của bố mẹ với những cường độ mạnh, nhẹ khác nhau. Theo các nhà tâm lý học, việc áp đặt của cha mẹ và phản ứng của con là minh chứng cho việc tạo khoảng cách giữa cha mẹ với con cái, gây bất lợi cho đời sống gia đình.

Không chỉ vậy, nhiều chuyên gia tâm lý còn cảnh báo, các bậc phụ huynh đừng vội vui khi con cái họ một mực “tuân theo” những gì họ vẽ sẵn. Bởi vì, đa số những trẻ như thế thường có tâm lý ỉ lại, thiếu độc lập trong suy nghĩ, không tự quyết và thiếu vốn sống. Như vậy, sẽ khó hứa hẹn một thế hệ trẻ năng động, hòa nhập toàn cầu.

Đồng ý với nhận định trên, thạc sĩ tâm lý Đinh Đoàn (Công ty tư vấn tâm lý, Đào tạo phát triển cá nhân, cộng đồng) chia sẻ: “Con người như một cái cây, được mở thoáng khí nó sẽ vươn cao”.

Tuy nhiên, ông Đoàn cũng thừa nhận, ở một chừng mực nào đấy, áp đặt suy nghĩ của cha mẹ ở mức độ nhẹ, mang tính chất chỉ lối cho con là tốt. Ông lý giải, cha mẹ đã mất thời gian trải nghiệm cuộc sống để đúc ra những kinh nghiệm quý giá mà con họ chưa có được. Con cái cần lắng nghe để tránh những tổn thất trên đường đời của mình./.

Thúy Mơ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục