Tổng thống Nam Sudan Kiir bổ nhiệm Nội các mới

Một tuần sau khi sa thải các bộ trưởng và thứ trưởng, Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir đã bổ nhiệm 19 bộ trưởng và 10 thứ trưởng mới.
Ngày 31/7, Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir đã bổ nhiệm 19 bộ trưởng và 10 thứ trưởng. Động thái trên diễn ra một tuần sau khi ông Salva Kiir ra lệnh sa thải tất cả các bộ trưởng và thứ trưởng trong đợt cải tổ nội các lớn nhất kể từ khi nước này giành được độc lập cách đây hai năm.

Theo một sắc lệnh của Tổng thống, ông Kuol Manyang Juuk, hiện là Thống đốc bang Jonglei - ở miền Đông đầy bất ổn của nước này, được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Các gương mặt mới của Nội các Nam Sudan còn có Bộ trưởng Văn phòng tổng thống phụ trách an ninh Obuto Mamur Mete; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Telar Riing Deng; Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thương mại và Kế hoạch kinh tế Aggrey Tisa Sabuni và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Aleu Ayeny Aleu.

Trong số các bộ trưởng tiếp tục tại nhiệm có Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ Stephen Dhieu Dau; Bộ trưởng Bộ Truyền phát, Bưu chính và Viễn thông Micheal Makuei, Bộ trưởng Đất đai và Nhà ở Jemma Nunu Kumba.

[Tổng thống Nam Sudan cách chức toàn bộ nội các]

Trước đó, ngày 27/7, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin Barnaba Marial Benjamin đã được bổ nhiệm giữ chức Ngoại trưởng. Cựu Bộ trưởng Bộ Nghề cá và Tài nguyên động vật Martin Elia Lomoro được điều chuyển giữ chức Bộ trưởng Nội các.

Ngoài ra, Tổng thống Salva Kiir cũng ban hành một sắc lệnh khác bổ nhiệm 10 người giữ chức thứ trưởng. Trong khi đó, vị trí Phó Tổng thống và Bộ trưởng Văn phòng tổng thống vẫn khuyết.

Phát biểu với báo giới, ông Kiir cho biết đã chọn thời điểm này để cải tổ nội các và đặt nền móng xây dựng một nội các "tinh giản và mạnh mẽ hơn," đồng thời nhấn mạnh việc tinh giản bộ máy chính phủ sẽ "tạo ra sức mạnh tổng hợp và cho phép giành ngân sách cho các dự án phát triển được ưu tiên cao độ."
 
Ngày 23/7 vừa qua, Tổng thống Salva Kiir đã đột ngột cách chức toàn bộ 29 bộ trưởng trong nội các, Phó Tổng thống thứ nhất Riek Machar, đồng thời đình chỉ chức vụ Trưởng đoàn đàm phá với Sudan về an ninh và dầu mỏ của ông Pagan Amum.

Theo một số nguồn tin, cải tổ nội các lần này xuất phát từ cuộc đấu tranh quyền lực gay gắt trong đảng cầm quyền, nhất là giữa ông Kiir và Riek Machar - người từng cho biết sẽ ra tranh cử tổng thống vào năm 2015./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục